Lớp học “3 không, 4 biết, 5 học viên”
Cập nhật ngày: 05/10/2017 06:58:28
Khoảng 3 tháng nay, ở huyện biên giới Hồng Ngự có một lớp học đặc biệt, mà nhiều người gọi vui là lớp học “3 không, 4 biết, 5 học viên”. Đó chính là lớp học dạy chữ, dạy nghề cho người mù.
“3 không” là không bảng, không phấn, không nhìn thấy mặt nhau; “4 biết” là biết đọc, biết viết, biết được nghề và biết kỹ năng sống, sinh hoạt. Lớp học chỉ 5 học viên là những người khiếm thị ở các xã trên địa bàn huyện Hồng Ngự.
Học viên đan giỏ xách
Trong thời gian 3 tháng, các học viên được học căn bản về chữ nổi trên giấy, cách viết và đọc chữ nổi. Ngoài ra, tận dụng các ngày thứ 7, chủ nhật, Hội Người mù huyện còn tổ chức dạy cho các học viên cách đan giỏ xách bằng dây ni-long. Theo nhiều học viên, lần đầu tiên tiếp xúc với nghề đan cảm thấy rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian.
Học viên Trương Văn Chí Thanh ngụ xã Thường Lạc cho biết: “Bước đầu thì bỡ ngỡ lắm, không biết như thế nào, nhờ sự giảng dạy của Hội, mình mới từ từ hiểu được. Học khoảng 1 tuần, đan được nhưng không đẹp, bây giờ thì khoảng 2 tiếng đồng hồ là mình hoàn thành 1 cái giỏ xách đi chợ”.
Để giúp học viên vượt qua mặc cảm, tự ti, các thầy cô đã hết lòng dạy học, động viên, khơi dậy ước mơ, mở cánh cửa tri thức cho những số phận thiệt thòi. Không chỉ với vai trò là giáo viên đứng lớp dạy từng con chữ, cái nghề, người dạy còn xem các học viên như người trong gia đình, tận tình chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng sống, sinh hoạt đời thường cho các học viên.
Cô Trần Thị Lạ - Chủ tịch Hội Người mù huyện Hồng Ngự cho biết, do người học không nhìn thấy mà chủ yếu chỉ sờ bằng tay để cảm nhận là chính, người dạy phải cầm tay chỉ việc cho từng người nên mất rất nhiều thời gian hơn.
Ông Phan Thanh Tùng - Phó trưởng Ban Dân vận huyện Hồng Ngự cho biết: “Tôi có xem sản phẩm của học viên lớp này làm ra, các sản phẩm rất sắc sảo, vì học viên đặt nhiều tâm huyết để làm, các sản phẩm có giá trị về mặt tinh thần lẫn vật chất”.
Trong 3 tháng, 5 học viên đan được hơn 80 cái giỏ xách bằng dây ni-long với đủ kích cỡ lớn nhỏ và màu sắc khác nhau, người mua thì cảm nhận được sự sắc sảo, màu sắc đẹp, nhưng người làm ra sản phẩm này lại không biết được màu sắc, hình dáng sản phẩm mình làm ra, thế nhưng đổi lại là họ nhận được những lời khen, động viên khích lệ của người tiêu dùng.
Đối với những người khiếm thị, đó là một niềm vui lớn giúp họ hòa nhập cộng đồng, thấy mình còn có ích cho xã hội. Một cái giỏ xách hoàn thành sắc sảo được bán với giá từ 25 - 30 ngàn đồng, thế nhưng giá trị thật của sản phẩm không phải ở số tiền mà là tinh thần vượt khó của những người khiếm khuyết.
Tân Hợp