Mẹ đơn thân vượt khó, tự nguyện xin thoát nghèo
Cập nhật ngày: 21/10/2020 16:34:44
ĐTO - Không còn vất vả thức khuya dậy sớm, nhịn ăn để lo cho các con, giờ đây, cô Nguyễn Thị Giúp ở ấp 3, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh đã được nhẹ gánh khi các con đều có việc làm, thu nhập ổn định và xây được nhà kiên cố. Kết quả này, đối với bà mẹ đơn thân sau gần 18 năm làm thuê, gồng gánh nuôi 6 đứa con là sự nỗ lực rất đáng khâm phục.
Cô Nguyễn Thị Giúp học đan ghế nhựa
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nên cô Giúp vất vả từ nhỏ. Nghỉ học sớm, bươn chải đủ nghề để phụ gia đình. Đến khi lấy chồng, những tưởng cuộc đời của mình sẽ rẽ sang một trang mới. Thế nhưng, niềm hạnh phúc chỉ được vài năm thì chồng cô đổ bệnh, khi đến cơ sở y tế khám mới hay chồng cô bị khối u trong phổi và đã vào giai đoạn cuối. Gánh nặng cuộc đời lại đè thêm lên đôi vai của cô.
Vì chữa bệnh cho chồng, của cải trong nhà lần lượt ra đi, thậm chí cô còn vay thêm tiền bên ngoài, bao nhiêu tiền của đều đổ vào chữa bệnh cho chồng, cũng chẳng thể giữ chồng ở bên cạnh được. Năm 1996, chồng cô qua đời để lại cho cô 6 đứa con nheo nhóc (đứa út chỉ mới 8 tháng tuổi) và những khoản nợ chưa biết khi nào mới trả được.
Cô Giúp chia sẻ: “Đó là khoảng thời gian bi đát nhất trong cuộc đời tôi, có lúc buồn đau, tủi thân đến cùng cực, tôi định buông xuôi, nhưng nhìn thấy những đứa con bé bỏng dại khờ, tôi lại như được tiếp thêm nghị lực. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa”. Từ đó, cô Giúp quên đi bản thân mình, thức khuya dậy sớm để làm mọi việc, từ làm ruộng, làm vườn, giúp việc nhà,... để lo cho các con. Biết được hoàn cảnh của cô Giúp, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã động viên và giúp cô tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 20 triệu đồng. Với số vốn vay được, cô Giúp đầu tư vào việc nuôi heo. Để giảm chi phí chăn nuôi, hàng ngày, cô Giúp đi xin thức ăn thừa ở các quán bán thức ăn gần nhà để làm thức ăn cho heo. Ngoài nuôi heo, cô Giúp còn tranh thủ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy mà các con của cô đứa nào cũng được đến trường.
Năm 2012, thấy nhà của cô Giúp xiêu vẹo, dột nát, Hội phụ nữ xã tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ cất cho cô ngôi nhà tình thương. Sau khi ngôi nhà tình thương hoàn thành, cô Giúp đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo dù rằng hoàn cảnh gia đình vẫn còn không ít khó khăn. Chia sẻ về việc này, cô Giúp nói: “Thật sự lúc đó gia đình tôi cũng còn khổ lắm nhưng tôi nghĩ mình phải phấn đấu chứ không nên để xã hội phải nặng gánh vì mình. Bản thân mình còn sức khỏe, còn có thể lao động thì mình phải cố gắng vượt qua khó khăn chứ không nên trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, còn nhiều người khác cần được giúp lắm. Ông bà ta nói an cư mới lạc nghiệp, tôi có được ngôi nhà là tôi an tâm để lao động phát triển kinh tế rồi”.
Từ ngày có được ngôi nhà, gia đình cô Giúp lại có thêm động lực phấn đấu. Khi trời còn hơi sương, mọi người vẫn đang trong giấc ngủ thì cô Giúp đã dậy làm việc nhà xong xuôi để còn đi giúp việc nhà. Các con cô cũng rất ngoan và thương mẹ, dù không vào đời bằng con đường học vấn nhưng tất cả đều kiếm cho mình công việc lương thiện (công nhân, thợ hồ,...) để cùng mẹ lo trang trải cuộc sống. Và giờ đây, căn nhà tình thương đơn sơ trước đây của gia đình đã được tu bổ, sửa chữa kiên cố, khang trang từ tiền mẹ con cô dành dụm, tích góp được. 4 trong 6 người con của cô Giúp đã có gia đình ra riêng và có cuộc sống ổn định. 2 con trai ở cùng cô, 1 người đi làm công nhân ở TP.Hồ Chí Minh, trừ chi phí ăn ở thu nhập cũng được 6 triệu đồng/tháng và 1 người làm thợ hồ ở nhà cùng cô với thu nhập 300.000 đồng/ngày.
Hiện nay, dù ở tuổi 65, kinh tế gia đình đã ổn định, các con có thể lo cho cô nhưng cô Giúp vẫn không nghỉ ngơi, thay cho việc đi giúp việc nhà trước đây thì cô đã chuyển sang học đan ghế nhựa để có thể lãnh về nhà làm, kiếm tiền phụ với con các khoản phí sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, cô còn tham gia rất nhiệt tình công tác Hội phụ nữ tại địa phương. Nói về cô Nguyễn Thị Giúp, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Tân cho biết: Dù hoàn cảnh éo le, vô cùng khó khăn nhưng cô Giúp là người cần cù, chịu khó, quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng chính đôi tay và sức lực của mình, chứ không ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của xã hội. Gia đình cô là một trong những hộ đầu tiên tự nguyện xin thoát nghèo trong phong trào tự nguyện thoát nghèo của xã. Cô Giúp là một điển hình về phong trào phụ nữ vượt khó để nhiều người học theo”.
BÍCH LIỄU