Mô hình hội quán góp phần nâng cao đời sống người dân
Cập nhật ngày: 24/10/2017 06:29:35
ĐTO - Hội quán là mô hình do nông dân tự nguyện cùng lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ, chuyện xóm, chuyện nhà... Hội quán được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, nhà khoa học, doanh nghiệp. Hội quán trở thành một mô hình sinh hoạt thu hút nông dân ở nông thôn, từng bước thay đổi suy nghĩ, tập hợp nông dân, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con ở nông thôn.
Ra mắt An Lạc Hội quán tại TX.Hồng Ngự
Phát huy tinh thần tự chủ, tự quản
Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập năm 2016 với 105 hội viên, đến ngày 8/9/2017, toàn tỉnh có 23 Hội quán ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với gần 1.200 hội viên. Cơ sở vật chất ban đầu do dân tự nguyện đóng góp, cơ quan, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 1 phần; Hội quán sinh hoạt định kỳ hàng tuần hoặc 2 tuần hoặc 1 tháng/lần. Nội dung sinh hoạt do các thành viên tự đề ra, chủ động bàn bạc cách làm mới, nghe nhà khoa học chia sẻ những ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản, xem phim tư liệu...
Hình thức sinh hoạt mang tính tập trung giúp người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự quản; thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ, lẻ theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư tiêu thụ sản phẩm. Mô hình Duy Tân Hội quán tại xã Hòa An, TP.Cao Lãnh cùng với Tổ hợp tác xoài Hòa Long ký hợp đồng thu mua xoài với Công ty TNHH Long Uyên, sản lượng khoảng 400 tấn năm 2017. Minh Tân Hội quán xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh phối hợp với Công ty TNHH Long Uyên sản xuất theo quy trình VietGAP; Canh Tân Hội quán xã An Nhơn, huyện Châu Thành liên kết với Công ty Việt Đức sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái chất lượng cao...
Mỗi Hội quán đều gắn với ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, mỗi buổi sinh hoạt, thành viên, hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn trao đổi với nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp để cùng tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, cách tiếp cận thị trường trong sản xuất. Một số Hội quán còn chủ động phối hợp với ngành chức năng, doanh nghiệp, nhà khoa học triển khai mô hình nông nghiệp thông minh như bón phân 1 lần cho cả vụ, sử dụng phương pháp điện toán đám mây trong theo dõi cây trồng và xây dựng thương hiệu cho nông sản nhằm giúp nông dân giảm chi phí hướng đến mô hình sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao được một số công ty như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP.Hồ Chí Minh) chuyên xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ tìm đến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu nhãn cù lao An Hòa.
Nâng cao đời sống vật chất tinh thần
Thông qua sinh hoạt Hội quán, đời sống tinh thần người dân được nâng lên khi chủ động tham gia ý kiến đóng góp cho địa phương những thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh; một số hội viên, thành viên tham gia vận động xây dựng cầu, đường, hỗ trợ học bổng, phát quà cho hộ nghèo, học sinh có gia đình khó khăn. Như Canh Tân Hội quán xã An Nhơn, huyện Châu Thành vận động xây dựng 3 cây cầu, nâng cấp 1.000m đường nông thôn; Đồng Tâm hội quán xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh vận động 10 suất học bổng, 2 cây cầu, 2 nhà tình thương, Minh Tâm Hội quán xã Mỹ Xương vận động cấp phát được 60 phần quà, tổng số tiền 20 triệu đồng...
Khô cá - sản phẩm chủ lực của An Lạc Hội quán
Dù cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt Hội quán còn khó khăn nhưng Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố Ban chủ nhiệm Hội quán cùng các hội viên, thành viên đều tâm huyết duy trì, một số điểm Hội quán có nơi sinh hoạt, được trang bị một phần bàn ghế, thiết bị công nghệ thông tin hoặc dụng cụ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, máy đo độ PH... Hội quán duy trì hoạt động, hội viên tham gia sinh hoạt, được tập huấn, chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm.
Tại phường An Lạc, TX.Hồng Ngự, người dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cây ăn trái, đồng thời tập hợp người sản xuất, kinh doanh cùng một ngành nghề tham gia vào Hội quán để sinh hoạt giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay, An Lạc Hội quán có 33 hội viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu...
Ông Trần Văn Á - chủ cơ sở sản xuất khô Út Á, khóm Sở Thượng cho biết: “Hội quán sinh hoạt định kỳ mỗi tháng, cập nhật các thông tin về thương hiệu, an toàn thực phẩm đến các hội viên. Trước mắt, chúng tôi được tạo điều kiện đưa sản phẩm ra mặt tiền đường phía chợ để giới thiệu đến với mọi người. Trước đây, chỉ bán sỉ, lẻ tại nhà, đường vào rất khó khăn, nay được chuyển ra phía lộ trung tâm để kinh doanh nên rất phấn khởi; chúng tôi đang liên kết lại với nhau để làm ăn, khi các gian hàng trưng bày sản phẩm của An Lạc Hội quán hoàn thành, chúng tôi sẽ trao đổi sản phẩm của mình với các Hội quán khác trong toàn tỉnh...”.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết: “Với nghề truyền thống làm khô, làm mắm lâu đời của khóm Sở Thượng, chúng tôi cùng với người dân phát triển hoạt động làng nghề, mỗi ngày sản phẩm làng nghề xuất bán khoảng 1 - 2 tấn để đưa thương hiệu khô-mắm phường An Lạc vươn xa hơn. Phòng Kinh tế phối hợp với UBND phường thành lập An Lạc Hội quán, mở các lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh, hỗ trợ cho Hội quán diện tích trên 20m2 phía trước chợ phường An Lạc để xây dựng gian hàng quảng bá, bán sản phẩm của các hội viên tham gia Hội quán, mở ra một cơ hội mới cho người dân nơi đây...”.
C.Phương