Ngăn ngừa, giảm thiểu các rủi ro gây tai nạn lao động

Cập nhật ngày: 11/05/2019 07:59:11

ĐTO - Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 7 người, bị thương 2 người, thiệt hại tài sản trên 980 triệu đồng. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh, số vụ TNLĐ năm 2018 tăng 12,5% so với năm 2017. Các vụ TNLĐ có tính chất lặp lại ở các lĩnh vực như: rác thải, xây dựng, cơ khí. Quý I năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ TNLĐ.


Người dân làm nghề thợ hồ ở nông thôn vẫn còn thói quen không mang đồ bảo hộ lao động, môi trường làm việc có nhiều dây điện giăng mắc không an toàn. 
Ảnh: M.XUYÊN

Vụ TNLĐ xảy ra năm 2018, chị D. T. N. (ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) làm việc tại khu đánh bọc nylon của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, bãi rác Đập Đá (huyện Cao Lãnh). Trong lúc chị N. đang vệ sinh trục quay của máy đánh bọc nylon và chưa kịp leo ra ngoài thì một công nhân khác đã mở công tắc mô tơ điện làm trục quay của máy cuốn chị N. dẫn đến tử vong. Ngoài các vụ TNLĐ xảy ra ở nhà máy, doanh nghiệp do Sở LĐ,TB&XH thống kê, rải rác ở khu vực nông thôn, TNLĐ vẫn còn xảy ra, nguyên nhân phần lớn vẫn đến từ yếu tố chủ quan của người dân. Với những người lao động (NLĐ) phổ thông làm các công việc nặng nhọc như: khuân vác gạch, phụ hồ, thợ hồ... thường đối mặt với những yếu tố nguy hiểm như: độ cao, khói bụi ảnh hưởng sức khỏe, hoặc một số công trình xây dựng nhà giăng mắc dây điện không an toàn gây ra tai nạn điện...

Bên cạnh các yếu tố nguy cơ, một số ít NLĐ vẫn không chú trọng vấn đề sử dụng đồ bảo hộ lao động (BHLĐ), đeo dây an toàn, khẩu trang, ủng, nón... nên nguy cơ xảy ra TNLĐ là rất cao. Chú Nguyễn Văn Hải ngụ xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh là thợ hồ nhưng ít khi mang đồ BHLĐ vì chú cho là vướng, khó thao tác, nóng nực. Vào tháng 3 vừa qua, trong quá trình leo lên nóc nhà để lợp , chú bất cẩn trượt chân và bị rơi xuống đất. Hậu quả, chú Hải bị gãy xương đùi chân phải, phải nhập viện để điều trị.

Chủ động phòng ngừa TNLĐ, các yếu tố rủi ro gây TNLĐ tại nơi làm việc, ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, Phòng LĐ,TB&XH, Liên đoàn Lao động huyện, thị, thành phố phối hợp UBND các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho công nhân, NLĐ ý thức chủ động trang bị đồ BHLĐ để giảm thiểu các rủi ro...

Hàng năm, Sở LĐ,TB&XH tỉnh phối hợp các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ đến từng đơn vị. Thông qua công tác huấn luyện ATVSLĐ, tuyên truyền cho NLĐ, chủ sử dụng lao động về pháp luật ATVSLĐ, đã từng bước nâng cao nhận thức của NLĐ và chủ doanh nghiệp. Tính từ năm 2016 đến nay, Sở LĐ,TB&XH tỉnh đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 810 máy ở các doanh nghiệp trước khi đưa vào sử dụng. Với các thiết bị máy bị hư hỏng, quá hạn sử dụng cũng được các doanh nghiệp khai báo về Sở LĐ,TB&XH tỉnh không sử dụng nữa.

Theo đánh giá của Sở LĐ,TB&XH, qua công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, nhiều doanh nghiệp từng bước có sự quan tâm thực hiện tốt quan trắc môi trường lao động; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc; kiểm tra, bảo trì và thay mới các máy, thiết bị để đảm bảo an toàn cho công nhân lao động; trang bị đầy đủ các phương tiện BHLĐ cho công nhân.

Tại Công ty TNHH MTV Thủy Sản Hoàng Long (huyện Tam Nông) hiện có trên 1.600 công nhân đang làm việc. Thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ tại đơn vị, công ty đã trang bị đầy đủ các phương tiện BHLĐ cho công nhân. Hàng năm, công ty được sự hỗ trợ của Sở LĐ,TB&XH tỉnh luôn thực hiện đầy đủ các lớp huấn luyện về ATVSLĐ; tổ chức các buổi tuyên truyền tại công ty cho công nhân lao động chấp hành tốt các quy định ATVSLĐ; thực hiện diễn tập phòng cháy, chữa cháy, diễn tập sơ cứu công nhân bị TNLĐ. Công nhân Trần Văn Trọng - Công ty TNHH MTV Thủy Sản Hoàng Long cho biết: “Để đảm bảo ATVSLĐ, công ty có trang bị yếm, bao tay, nón lưới, ủng; mỗi năm, công ty tổ chức cho công nhân khám sức khỏe định kỳ, tập huấn các kiến thức cơ bản về ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ”.

Còn tại Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II, (khu công nghiệp Sa Đéc, TP.Sa Đéc) với trên 2.000 công nhân, Ban Giám đốc công ty đề ra kế hoạch ATVSLĐ, củng cố bộ máy làm công tác ATVSLĐ và mạng lưới ATVSLĐ ở các bộ phận trong công ty. Công ty quan tâm tổ chức các buổi truyền thông, hội thi về công tác ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ, tổ chức các lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ cho công nhân ở các bộ phận công ty. Hàng quý, công ty tổ chức đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; tự kiểm tra, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc...

Ông Phạm Văn Tâm - Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Xác định công tác ATVSLĐ là một trong những nội dung quan trọng và với phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, đề phòng TNLĐ từ xa, trước khi phân công giao việc cho NLĐ, công ty thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn các biện pháp làm việc đảm bảo an toàn tại nơi làm việc; giám sát nghiêm ngặt việc tuân thủ các quy trình bắt buộc về đảm bảo ATVSLĐ và tính mạng NLĐ, không để xảy ra TNLĐ, sự cố kỹ thuật và bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động, sản xuất”.

Tiếp tục thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trong năm 2019, đặc biệt trong Tháng hành động ATVSLĐ phòng, chống cháy nổ (tháng 5/2019), với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như: tuyên truyền pháp luật ATVSLĐ cho công nhân; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ...

Trong Tháng hành động, với mục tiêu nâng cao ý thức NLĐ và chủ sử dụng lao động nhằm kéo giảm thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra, Sở LĐ,TB&XH tỉnh sẽ tập trung phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thiết bị, máy, điều kiện, môi trường làm việc của công nhân; việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ tại các cơ sở, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm; chỉ đạo Phòng LĐ,TB&XH huyện, thị, thành phố tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, kéo giảm TNLĐ trong nhân dân.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn