Nghề nuôi trâu ở vùng biên

Cập nhật ngày: 12/02/2021 08:24:40

ĐTO - Có lẽ hình ảnh con trâu đã quá quen thuộc trong ký ức của nhiều người. Hiện nay, người dân một số địa phương ở vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp vẫn còn theo nghề nuôi trâu truyền thống. Đối với nhiều nông dân, con trâu là “bạn”, là tài sản quý giá, giúp họ có cuộc sống ổn định.


Đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ trên đồng

Nghề truyền thống

Đến ấp Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng), khi hỏi về ông Phước Trâu (tên thật Lê Văn Phước) thì có khá nhiều người biết đến. Bởi dù trải qua bao thăng trầm nhưng ông Phước luôn gắn bó với nghề nuôi trâu. Khoảng 10 tuổi, ông đã phụ cha giữ đàn trâu hơn 10 con. Thời đó, “con trâu là đầu cơ nghiệp” và tiếp nối nghề truyền thống của gia đình nên sau khi cưới vợ, ông bán hết vàng cưới, mua 1 con trâu cái về nuôi sinh sản. Có lúc, đàn trâu tăng lên hàng chục con. Ông Phước cho biết: “Hiện, tôi còn 6 con trâu, nuôi để đẻ, bán nghé (trâu con). Mỗi con nghé hơn 1 năm tuổi có giá khoảng 25 triệu đồng. Nghề nuôi trâu giúp kinh tế gia đình tôi ổn định”.


Ông Lê Văn Phước gắn bó với nghề nuôi trâu nhiều năm nay

Gần nhà ông Phước Trâu có anh Lý Hoài Ân (SN 1975) cũng nuôi trâu nhiều năm nay. “Của đâu người đó” nên anh Ân phải đi chăn trâu suốt ngày. Nhiều anh em ở xóm cũng nuôi trâu, thường đi giữ trâu chung. “Trong khi đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ thì anh em chúng tôi đi bắt chuột, bắt cá rồi lai rai vài xị đế. Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chớ” - anh Ân vừa cười, vừa nói. Trong lúc rong ruổi ở vùng biên giới, chúng tôi gặp ông Nhan Văn Nguyên cùng con trai - Nhan Văn Tuấn (ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng) đang trông nom đàn trâu của gia đình trên một cánh đồng thuộc xã Bình Phú. Ông Nguyên cho hay: “Tính tới thằng Tuấn là gia đình tôi có 4 đời nuôi trâu. Từ bao đời nay, con trâu giúp gia đình tôi ăn nên làm ra”.

Qua hàng chục năm nuôi trâu, ông Nguyễn Tự Do (51 tuổi) ở phường An Bình A, TP.Hồng Ngự cho rằng, con trâu dễ nuôi hơn nhiều vật nuôi khác và tốn rất ít chi phí về thức ăn. Trâu thích ở ngoài đồng để ngâm mình dưới nước nên cả ngày phải thả lang, đến chiều mới dắt về chuồng. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, chỉ cần cung cấp đủ lượng cỏ cần thiết, còn lại gần như không phải chăm sóc nhiều. Tuy nhiên, trâu cũng mắc một số bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bệnh đường ruột... nên phải tiêm ngừa đầy đủ.

Phát huy nghề nuôi trâu truyền thống của địa phương, những năm qua, người dân vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp phát triển nghề nuôi trâu vỗ béo. Qua giới thiệu của Hội Nông dân xã Bình Phú, huyện Tân Hồng chúng tôi được biết một nông dân chuyên nuôi trâu vỗ béo (từ 60 - 70 con/năm), đó là ông Lê Văn Khen ngụ ấp Công Tạo. Theo ông Khen, từ tháng 4 đến tháng 8 (âm lịch) hàng năm, nhiều đồng lúa thu hoạch xong và có mưa, cỏ tươi tốt, ông mua trâu bên Campuchia về nuôi vỗ béo. Sau vài tháng chăm sóc, trâu béo tốt rồi bán lại, lời trung bình 3 triệu đồng/con.


Một trong những yếu tố quan trọng để trâu phát triển tốt là phải thường cho nó ngâm mình dưới nước

Trâu là “bạn”, là tài sản

Trong nền nông nghiệp truyền thống, thời mà “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, trâu là “bạn”, là tài sản quý giá của người nông dân. Bởi lẽ con trâu có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Người nông dân lấy sức kéo của trâu để làm đất (cày, bừa, trục...); kéo lúa khi thu hoạch và kéo lúa giống lúc gieo sạ. Ngày nay, cơ giới hóa trong nông nghiệp, máy móc đã giải phóng sức kéo cho những con trâu. Nhưng ở vùng biên giới của Đồng Tháp, thỉnh thoảng cũng bắt gặp hình ảnh trâu kéo lúa, kéo rơm. Hiện nay, trâu vẫn là “bạn”, là tài sản và là “công cụ” giúp ông Nguyễn Tự Do kiếm tiền. Đàn trâu của ông Tự Do có 20 con, việc bán nghé, trâu thịt và đi kéo rơm thuê mang lại thu nhập khá. Ông Tự Do phấn khởi nói: “Sau khi thu hoạch lúa, tôi có mấy con trâu đi kéo rơm mướn với giá 3.500 đồng/cuộn. Mỗi vụ, một con trâu kiếm được trung bình 15 triệu đồng. Nó lao động nặng nên thường được bồi bổ bằng việc cho ăn toàn cỏ tươi, cho nằm nước thoải mái”.

Đối với nhiều nông dân, cụm từ “ngu như trâu” mà mọi người hay nói là chưa đúng vì nó biết nghe lời chủ. Theo một số lão nông, lúc trước cày ruộng bằng trâu, người và trâu có “ngôn ngữ” riêng để giao tiếp với nhau như nói “dí” (rẽ trái), “thá” (rẽ phải), “hò” (dừng lại)... Có người còn đặt tên cho con trâu giống “thú cưng”: sừng bẹt, sừng âu, sừng gút, đực ú, đực mẫm và nhiều tên khác. Riêng anh Lý Hoài Ân ở xã Tân Hộ Cơ đặt tên cho con trâu đực giống hơn 5 năm tuổi của mình là “Pháo” do anh mê cờ tướng. Anh Ân bộc bạch: “6 con trâu là tài sản quý giá nhất của gia đình tôi. Tôi cưng nó lắm, xây chuồng trâu còn chắc chắn, kiên cố hơn nhà tôi ở nữa. Chuồng làm bằng cột xi măng, mái lợp tôn... chi phí gần 40 triệu đồng. Để mấy con trâu không bị muỗi chích, ruồi bu, tôi cho nó ngủ trong mùng, có khi thì đốt lá để khói xông vào chuồng”.


 Dù có máy móc thay thế nhưng thỉnh thoảng cũng bắt gặp hình ảnh trâu kéo lúa

Đàn trâu thường được người chủ quan tâm, cho ăn uống đầy đủ. Để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, nhiều nông dân dành một phần đất để trồng những loại cỏ khoái khẩu của trâu như cỏ voi, cỏ sả... Còn ông Nhan Văn Nguyên chuyên nuôi trâu kiểu “chạy đồng”, cứ cánh đồng nào thu hoạch lúa xong là ông lại đưa trâu tới chăn thả. Đối với ông Nguyên, việc “ăn bờ, ngủ bụi” đã quá đỗi bình thường. Nhưng bù lại đàn trâu ăn no đủ và được nằm nước nên mau lớn, mập mạp. Một số con trâu tướng tá đẹp được khách hàng ở các tỉnh phía Bắc mua để thi thố tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (TP.Hải Phòng), giá cao hơn từ 2 - 3 lần so với trâu bình thường. “Nuôi trâu riết giống như bị ghiền vậy đó và “mến tay mến chân” với nó. Tôi mới bán mười mấy con trâu, được hơn 500 triệu đồng, giờ còn 44 con (trị giá trên dưới 2 tỷ đồng). Có tiền lẽ ra vui nhưng tôi buồn lắm vì mấy con trâu gắn bó nhiều năm mà giờ bán nó” - ông Nhan Văn Nguyên buồn hiu nói.

Theo ngành chức năng, đàn trâu toàn tỉnh trên 4.500 con. Trâu được nuôi nhiều ở vùng biên giới của tỉnh như TP.Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và Tân Hồng. Chỉ tính riêng huyện Tân Hồng, có hơn 150 hộ nuôi trâu, năm 2020, đã xuất chuồng trên 630 con. Tổng đàn trâu của huyện Tân Hồng còn gần 1.900 con, trong đó đa số là nuôi trâu thịt với hơn 1.390 con, còn lại là trâu cái và trâu đực giống.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn