Nghị quyết số 28-NQ/TW: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”

Cập nhật ngày: 18/01/2021 14:43:16

Năm 2020 được xem là năm bản lề đối với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong phát triển người tham gia BHXH, nhất là việc mở rộng BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Chính nhờ xác định đúng và trúng, toàn ngành đã đạt kết quả quan trọng, đặc biệt là việc mở rộng diện bao phủ ở nhóm lao động phi chính thức, hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH đến người lao động tự do

Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, việc cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện, không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến người nông dân, lao động khu vực phi chính thức - đây là “khoảng trống” vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tại Đồng Tháp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X đã đề ra Chương trình hành động số 71-CTr/TU để thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Trong đó, chú trọng các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tính vững chắc của chính sách, giúp người dân yên tâm hơn khi về già cũng như những lúc ốm đau, bệnh tật.

Chị Nguyễn Thị Cúc ở Phường 11, TP.Cao Lãnh đã chủ động tìm đến cơ quan BHXH để tham gia BHXH tự nguyện cho chồng để về già 2 vợ chồng đều có lương hưu. Chị Cúc kể, chị là công nhân nên tham gia BHXH bắt buộc, còn chồng chị cũng có thời gian đi làm ở công ty nhưng đã nghỉ việc. Lúc đầu, vợ chồng chị cũng tính nhận BHXH một lần, nhưng khi hiểu được quyền lợi khi có sổ BHXH, được nhận lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí và các ưu đãi khác nên chị quyết định tham gia cho chồng với mức đóng 1 triệu đồng/tháng.

Chính sách BHXH đặt ra trong Nghị quyết số 28 nhằm thực hiện một bước Hiến pháp năm 2013, đó là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Theo thống kê của ngành BHXH Việt Nam, từ năm 2008 đến hết năm 2018, cả nước chỉ có khoảng 280.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đáng phấn khởi là đến năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện có sự gia tăng ngoạn mục, khi cả nước có thêm gần 300.000 người đăng ký tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên trên 580.000 người.

Đặc biệt, trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt tại miền Trung nhưng BHXH Việt Nam đã thực hiện đúng theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Kết quả, đến nay đã có trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, đạt 165% so với kế hoạch Chính phủ giao, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đã đề ra.

Hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện để tăng độ bao phủ BHXH toàn dân

Nghị quyết số 28 đặt ra mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Song, dự kiến đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 2%. Như vậy, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, thiên tai lũ lụt, nhưng với các giải pháp đồng bộ, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đúng, trúng nhóm đối tượng là lao động phi chính thức nên trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong phát triển BHXH tự nguyện.

Trong chính sách BHXH mà Nghị quyết 28 đề ra là làm thay đổi nhận thức của người dân, không chỉ diện BHXH bắt buộc mà mở rộng cả chính sách BHXH tự nguyện để nhanh chóng đạt độ bao phủ BHXH toàn dân (người lao động từ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập đều tham gia vào hệ thống BHXH). Có một vấn đề được coi như giải pháp đột phá, thể hiện quan điểm rất mới của Đảng và Nhà nước, đó là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, nhằm khuyến khích đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân. Khi nhóm người này đến tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác là hết tuổi lao động, sẽ có lương hưu.

Năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước tăng gấp 2 lần so với năm 2019

Diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,164 triệu người tham gia, đạt 32,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra; trên 13,324 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 27% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 29% so với năm 2015.

Đặc biệt, chỉ tiêu bao phủ BHYT có bước tăng trưởng ấn tượng: số người tham gia BHYT khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn.

Tại Đồng Tháp, số người tham gia BHXH tự nguyện sau 3 năm triển khai Chương trình hành động số 71-Ctr/TU, ngày 25/7/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH: năm 2018 là 3.421 người; năm 2019: 7.953 người; năm 2020: 16.604 người, tăng 8.651 người so với năm 2019, đạt 100,36% kế hoạch; tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1,1% lực lượng lao động trong độ tuổi.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn