PHÒNG, CHỐNG DỊCH VIÊM PHỔI CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI-RÚT NCOV:

Người dân cần lưu ý về lịch trình di chuyển và những yếu tố nguy cơ

Cập nhật ngày: 07/02/2020 10:44:55

ĐTO - Cùng với công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (nCoV) gây ra, ngành y tế Đồng Tháp tiếp tục đưa ra các khuyến cáo mới về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trước các yếu tố nguy cơ. Trong đó có khuyến cáo lưu ý nếu người dân đi du lịch và có các yếu tố thân nhân từ nước ngoài về cần có các động thái thông tin về lịch trình di chuyển và lưu ý yếu tố có tiền sử đến, ở, về từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày có triệu chứng sốt, ho, có thể có khó thở nên sớm đến các cơ sở y tế.


Khuyến cáo rửa tay phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona nCoV gây ra

NẾU CẦN THIẾT NÊN CHỦ ĐỘNG KHAI BÁO LỊCH TRÌNH

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đã triển khai toàn diện công tác phòng, chống đến các đơn vị trực thuộc và người dân. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra diễn ra thời điểm trước, trong và sau Tết. Đây là khoảng thời gian người dân đi lại và di chuyển nhiều     nên việc khuyến khích người dân kê khai lịch trình di chuyển là điều rất cần thiết. Thạc sỹ Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Những người sau đây cần thông báo lịch trình di chuyển: những người có tiền sử đến, ở, về từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày có triệu chứng sốt, ho, có thể có khó thở, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng. Những người có tiếp xúc với các trường hợp xác định mắc bệnh và trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút Corona, hoặc tiếp xúc gần (trong vòng 2m) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút nCoV. Những người tiếp xúc gần gồm người ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế (2m) trên cùng một chuyến xe, toa tàu, máy bay với trường hợp bệnh xác định”. Bên cạnh đó, người sống cùng gia đình với trường hợp bệnh xác định. Người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng với trường hợp bệnh xác định. Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị trường hợp bệnh xác định; nhân viên y tế, nhân viên phục vụ khác có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân xác định/phòng điều trị bệnh nhân xác định trong quá trình làm việc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng có những khuyến cáo đối với những trường hợp chưa có biểu hiện lâm sàng của bệnh nhưng có tiền sử đi, đến, ở, về từ Trung Quốc và các trường hợp có tiếp xúc với ca nghi ngờ phải tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu có biểu hiện nghi ngờ cần khai báo với cơ sở y tế (Trạm y tế, Trung tâm y tế, Phòng khám đa khoa) nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết. Hoặc thông tin vào đường dây nóng: Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp 0967.771. 717.

BẮT BUỘC RỬA TAY VÀ ĐEO KHẨU TRANG ĐÚNG CÁCH

Hiện nay, đa số người dân đã tiếp cận nhiều với các thông tin về công tác phòng, chống bệnh dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra nên chủ động trang bị khẩu trang và các dung dịch rửa tay. Nhiều người đã bắt đầu chủ động đeo khẩu trang cho bản thân, thực hiện vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các nguy cơ mắc bệnh cần phải thực hiện các bước rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách như: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn). Người tiếp xúc gần với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh nCoV trong vòng 14 ngày phải thông báo cho các cơ sở y tế địa phương, phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác. Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện cúm. Tập thể dục, ăn chín uống chín và đủ chất để tăng cường sức khỏe. Đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu: sốt, ho, khó thở.

Trong quá trình thực tế tại các điểm công cộng, một số người vẫn chưa thực hiện đúng khuyến cáo, hướng dẫn về việc rửa tay và đeo khẩu trang như: rửa tay qua loa hoặc đeo khẩu trang, khẩu trang y tế ngược, tái sử dụng, dùng lại khẩu trang nhiều lần. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đối với khẩu trang y tế người dân chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn có nắp đậy. Đeo khẩu trang y tế phải để mặt màu xanh ra ngoài do mặt xanh có tính chống nước. Mặt màu trắng có tính hút ẩm nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang, khẩu trang y tế khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi đeo khẩu trang tuyệt đối không được sờ tay vào vì động tác sờ tay sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm các vi-rút và tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi-rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay. Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Rửa tay ngay sau khi tháo bỏ khẩu trang. Ngoài ra, có thể sử dụng Cloramin B nồng độ 0,5% có thể dùng để lau, ngâm dụng cụ hoặc phun dưới dạng tồn lưu, mục đính làm ướt bề mặt những dụng cụ và sàn nhà để diệt khuẩn. Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Mở cửa chính, cửa sổ để đảm bảo đủ sáng có thể làm giảm khả năng gây bệnh của vi-rút. Người dân thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bề mặt các đồ vật, ngâm đồ chơi của trẻ... bằng chất tẩy rửa thông thường: javel, sunlight, xà phòng..., thực hiện lau từ nơi ít bẩn đến nơi bẩn nhiều.


Thạc sỹ Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Theo thạc sỹ Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút Corona và cảm cúm thông thường có sự phân biệt bởi các yếu tố: bệnh nhân có nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với các biểu hiện sốt, ho, có thể có khó thở và có 1 trong các yếu tố dịch tễ sau: có tiền sử đến, ở, về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, hoặc tiếp xúc gần (trong vòng 2m) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona. Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra và cúm thông thường có các triệu chứng ban đầu rất giống nhau bao gồm: sốt, ho khan và các triệu chứng hô hấp. Vì thế mọi người lầm tưởng chỉ là cảm lạnh hay cúm mùa thông thường, tự khỏi và không đến khám tại cơ sở y tế. Tuy nhiên chủng mới của vi-rút Corona có thể gây bệnh nặng và dẫn đến tử vong. Để phân biệt cảm lạnh thông thường với viêm phổi do chủng mới của vi-rút Corona, người dân nên làm xét nghiệm tại các bệnh viện.

Nhóm PV CT-XH (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn