Người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 20/09/2019 13:57:36
ĐTO - Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ đầu năm 2019 đến ngày 8/9/2019, toàn tỉnh ghi nhận trên 3.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 106,38% (tương đương 1.551 ca) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 106 ca nặng, 2 ca tử vong. Bệnh SXH tăng nhưng người dân chưa quan tâm, thậm chí còn chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH.
Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội TP.Sa Đéc hỗ trợ người dân xã Tân Phú Đông xử lý lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước
Xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò là địa phương có số ca mắc SXH cao của huyện, với 48 ca trong 8 tháng đầu năm 2019. Ấp Tân Thạnh xảy ra liên tục 6 ổ dịch SXH. Khảo sát tại nhà của 45 hộ dân ở ấp Tân Thạnh, trước và sau nhà có khá nhiều vỏ dừa, thau bể chứa nước mưa, nhiều vũng nước kèm rác thải ứ đọng quanh nhà. Các hộ dân ở đây thường xuyên đóng cửa đi làm, rất ít quan tâm đến việc dọn vệ sinh xung quanh nhà, đây là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn gây bệnh SXH đẻ trứng.
Để phòng bệnh SXH, các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội ở xã Bình Thạnh Trung đã phối hợp tăng cường tuyên truyền cho người dân giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh, diệt lăng quăng nhưng người dân vẫn còn thờ ơ, ngay cả khi đã mắc bệnh SXH. Chị N.T.N. ngụ xã Bình Thạnh Trung có 3 người con bị bệnh SXH. Chị N. kể, thấy các cháu bị sốt nên chị mua thuốc cho uống. Khoảng 2 ngày không hết sốt nên chị đưa các con đến bệnh viện khám mới biết các con bị bệnh SXH. Chị N. nói: “Tôi cũng có nghe nói bệnh SXH nhưng hồi nào giờ mấy đứa nhỏ không bị bệnh nên tôi cũng ít quan tâm. Con bị bệnh, tôi rất lo lắng nhưng cũng chưa biết làm sao để phòng bệnh tốt cho con mình nữa”.
Ngoài sự chủ quan trong việc phòng bệnh SXH, một số hộ có hiểu biết về bệnh SXH nhưng còn chủ quan, nhất là chưa tích cực diệt lăng quăng ngay trong khu vực nhà mình. Tại xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc, khi có cộng tác viên y tế khóm, ấp đến vận động làm vệ sinh, diệt lăng quăng thì người dân làm nhưng khi cộng tác viên đi qua rồi thì đâu cũng vào đấy.
Đi một vòng quanh nhà các hộ dân ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông không khó để tìm thấy lăng quăng, chúng có rất nhiều trong các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà. Khi được hỏi về cách phòng bệnh SXH của gia đình mình, bà P.T.G. ngụ xã Tân Phú Đông cho biết: “Tôi súc lu để diệt lăng quăng, ngủ mùng tránh muỗi cắn, mua thuốc xịt muỗi, vệ sinh quanh nhà...”. Tuy nhiên, khi cộng tác viên y tế ấp đến kiểm tra 18 dụng cụ chứa nước tại nhà bà G. thì có đến 10 dụng cụ chứa nước có lăng quăng.
Do đặc thù công việc của người dân nơi đây là làm bột, chăn nuôi heo và trồng kiểng nên người dân sử dụng rất nhiều lu, khạp, vật chứa nước nhưng khi không dùng nữa lại “quên” dọn dẹp ngăn nắp, vô tình để nước mưa rơi vào ứ đọng hoặc trồng cây kiểng trước sân nhà rậm rạp nhưng chưa chú ý dọn dẹp thông thoáng, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát triển thành lăng quăng, muỗi gây bệnh SXH. Muốn phòng bệnh tốt cần phải nâng cao ý thức tự giác diệt lăng quăng của mỗi gia đình để cắt đứt mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
Theo dự báo của ngành y tế tỉnh, năm 2019 là năm đỉnh điểm của chu kỳ dịch SXH. Ngay từ đầu năm 2019, chủ động phòng, chống dịch bệnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: điều tra, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch bằng hóa chất; tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng bệnh chưa mang lại hiệu quả cao, các hộ gia đình chưa ý thức tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, còn để các dụng cụ chứa nước có lăng quăng, tâm lý người dân còn trông chờ vào việc xử lý ca bệnh, ổ dịch bằng hóa chất mà không quan tâm đến diệt trừ lăng quăng tại nhà.
Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Tình hình bệnh SXH trong tỉnh tăng từ tháng 7 đến nay và hiện đang diễn biến phức tạp. Để phòng bệnh, giải pháp căn cơ trước mắt vẫn là diệt lăng quăng; các ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần tuyên truyền cho người dân các giải pháp phòng bệnh như: diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường; phải tuyên truyền cho người dân hiểu lăng quăng là mầm mống của bệnh SXH, để nâng cao ý thức diệt lăng quăng. Đồng thời, Sở Y tế đã có chỉ đạo các địa phương đồng loạt thực hiện chiến dịch diệt lăng ngay trong tháng 9 nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh SXH, bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh”.
M.X