Nguyễn Thanh Thuận – Người đam mê sách cổ ở Đất Sen hồng
Cập nhật ngày: 25/01/2020 05:59:15
ĐTO - Từ lúc còn nhỏ khi học Tiểu học, Nguyễn Thanh Thuận đã tiết kiệm tiền để mua sách đọc. Từ niềm say mê đọc sách, khi trưởng thành, anh đã đến với con đường sưu tầm sách cổ. Đến nay, “kho báu” của Nguyễn Thanh Thuận (31 tuổi, ngụ phường 3, TP.Cao Lãnh) có khoảng 3.000 đầu sách quý, có quyển đã hơn 300 năm tuổi.
Nguyễn Thanh Thuận bên những quyển sách cổ
Niềm đam mê sách
Thời còn là học sinh phổ thông, Thuận đi dạy thêm để có tiền mua sách. Do yêu thích đọc sách cổ viết bằng chữ Hán - Nôm nên các năm học cấp ba, Thuận mua từ điển Hán - Nôm về tự học để dịch nghĩa và tập viết chữ. Bước vào giảng đường đại học chuyên ngành Mỹ thuật, Thuận đi vẽ tranh thuê để tích lũy tiền mua sách, có tiền là Thuận đầu tư vào việc sưu tầm sách cổ. Ngoài ra, Thuận còn mua bán, trao đổi sách để kiếm thêm tiền cho việc sưu tầm những quyển sách cổ có giá trị cao, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Những quyển sách cổ được Thuận mua nhiều nhất trong khoảng thời gian học đại học. Bởi thời điểm này, ngoài thời gian đi vẽ tranh thuê, những ngày rảnh rỗi, Thuận cất công đi vài ngày đến các thành phố lớn có nhiều sách để sưu tầm.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Mỹ thuật nhưng vì niềm đam mê sưu tầm sách cổ nên Thuận chọn rẽ sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử. Hiện tại, Thuận đang công tác tại Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp và tham gia dịch chữ Hán - Nôm cho các đình, chùa, miếu, sắc phong, câu đối, liễn thờ... Đồng thời, Thuận tham gia viết sách, nghiên cứu về lịch sử. Tính đến nay, Thuận đã tham gia viết sách chung với các tác giả khác được hơn 10 đầu sách và xuất bản quyển “Nhân thần trong tín ngưỡng dân gian Đồng Tháp” do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2018.
Thuận sưu tầm sách cổ phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử
Những quyển sách giá trị
Hơn 20 năm miệt mài sưu tầm sách cổ, đến nay “thư viện” của Thuận có khoảng 3.000 đầu sách, có quyển đã hơn 300 năm tuổi, rất hiếm gặp. “Trên các kệ sách của tôi, có những quyển sách cổ mà Thư viện Quốc gia, Viện Hán - Nôm không có” - Thuận cho biết. Dẫn tôi xem các kệ sách cổ, Thuận nhớ chính xác vị trí từng quyển sách trong các ngăn trên nhiều kệ sách. Thuận lấy trên kệ quyển “Thượng kinh ký sự” trong bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác viết vào thế kỷ thứ 18, bản in Hàm Nghi nguyên niên (năm 1884) được in trên chất liệu giấy dó, đưa cho tôi xem. Và còn những quyển sách quý khác như: “Huấn mông nhất tự khúc” (sách dạy Hán Nôm vỡ lòng) bản in Việt Đông Phật trấn thời Thiệu Trị, “Lê Triều hương tuyển” năm Cảnh Hưng thứ 11 (năm 1750), “Kinh Thi” bản in năm Minh Mạng thứ 11 (năm 1830)...
Tôi có cảm nhận, từng quyển sách được Thuận nâng niu như người bạn quý của mình. Điều này cho thấy, tình yêu sách cổ và niềm đam mê sách cổ của anh luôn cháy bỏng. Được biết, từ năm 2011, lúc mới 22 tuổi, Thuận là một trong những người trẻ tuổi ở Việt Nam đoạt giải Khuyến khích hội thi tủ sách gia đình. Khi tôi hỏi: “Mỗi quyển sách cổ có giá bao nhiêu tiền?”. Thuận chỉ cười và nói: “Vô giá anh ơi”. Chỉ tay vào những kệ sách, Thuận chia sẻ với tôi: “Dù hoàn cảnh không mấy khá giả nhưng đối với tôi sách là tài sản vô giá. Mỗi khi có tiền là tôi mua sách”.
Với “kho báu” quý giá của mình, Thuận mong muốn góp phần hữu ích cho các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Trong số những quyển sách cổ của mình, Thuận phát hiện ra trong quyển “Le Canal Impérial” của tác giả Le P.Domin Gadar được in bằng tiếng Pháp (Nhà xuất bản Thượng Hải phát hành năm 1903) có kèm theo bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc với điểm cực nam là đảo Hải Nam và không có Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày 4/8/2012, Thuận bàn giao bản đồ này cho tỉnh Đồng Tháp để chuyển về Trung ương làm nguồn tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Thuận chia sẻ với tôi rằng: “Mỗi cuốn sách cổ là một câu chuyện, một kỷ niệm sưu tầm và bài học chứa đựng trong sách là vô giá, không thể tính bằng tiền”.
Dương Út