Nhiều hoạt động giúp trẻ em hòa nhập cộng đồng

Cập nhật ngày: 30/12/2017 09:40:12

Năm 2017 với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (TE) đã góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều TE trên địa bàn tỉnh.


Cán bộ Ban bảo vệ trẻ em phường Hòa Thuận vãng gia, tư vấn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Sinh ra trong gia đình nghèo, cuộc sống của em Lê Tuấn Kiệt ngụ ấp Long Bình, xã Long Thắng, huyện Lai Vung sớm vất vả hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Cha em mắc bệnh thoái hóa khớp khiến đôi chân không thể đi lại bình thường. Hai đứa em của Kiệt vẫn còn nhỏ, mọi sinh hoạt hằng ngày đều dựa vào đôi bàn tay của mẹ. Thế nên, cơ hội đến trường của Kiệt dần thu hẹp và có lúc tưởng chừng em phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự tiếp sức của Ban Bảo vệ TE xã, các đoàn thể địa phương đã giúp Kiệt có điều kiện tiếp tục đến trường. Ông Lê Ngọc Ca, cha của em Kiệt xúc động cho biết: “Nhờ có địa phương và mọi người giúp đỡ, gia đình tôi mới có điều kiện cho con tiếp tục đến trường, nếu không, chắc con tôi đã phải nghỉ học giữa chừng”.

Quan tâm chăm lo cho TE nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ, TB&XH) các cấp triển khai thực hiện hiệu quả trong những năm qua. Ngoài nguồn kinh phí được phân bổ, các cấp, ngành ở cơ sở còn tích cực vận động nguồn xã hội hóa, gây quỹ vì TE. Bên cạnh đó là việc rà soát, nắm bắt hoàn cảnh từng trường hợp cụ thể để có sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho tất cả TE. Ông Ngô Văn Lơ - Phó Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Lai Vung cho biết: “Nhằm chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho những TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Phòng LĐ, TB&XH huyện đã tham mưu với UBND huyện triển khai dự án Bạn hữu TE do UNICEF tài trợ tại xã Phong Hòa, Tân Thành và Long Thắng; tham mưu thực hiện bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định cho TE có hoàn cảnh đặc biệt. Riêng các trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng được Phòng LĐ, TB&XH cập nhật, xem xét để có hướng hỗ trợ kịp thời”.

Phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh là 1 trong 33 xã, phường điểm trong tỉnh thực hiện Dự án Hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật (NCTNVPPL) dựa vào cộng đồng. Cùng cán bộ phường đến vãng gia tại một trường hợp đang theo dõi, chúng tôi có dịp tiếp xúc với 2 anh em Nguyễn Hoàng Sang và Nguyễn Thành Trọng. Mới 13 và 14 tuổi nhưng 2 em đã phải tự lo cho cuộc sống của mình, bởi cha mẹ đều đã bỏ đi và có gia đình riêng. Đáng quan tâm là các em lại sa vào con đường nghiện game online.

Thông qua tìm hiểu, Ban Bảo vệ TE của phường đã họp bàn, tìm ra hướng hỗ trợ tốt nhất cho hoàn cảnh của 2 em. Theo kế hoạch can thiệp, với biện pháp tạo việc làm phù hợp, việc bán vé số hằng ngày cũng đã giúp 2 anh em có thêm thu nhập trong thời gian chờ tìm một công việc phù hợp hơn. Đến nay, 2 em đã được cha rước về TP.HCM để tiện việc chăm sóc và ổn định cuộc sống cho các em. Anh Nguyễn Phước Thành - cộng tác viên bảo vệ TE phường Hòa Thuận chia sẻ: “Điều khó nhất là khâu ban đầu tiếp cận vì nếu không làm cho trẻ tin tưởng thì việc nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh của các em là rất khó. Với các trường hợp khó, Ban BVTE phường sẽ họp đột xuất hàng tháng để bổ sung và xây dựng lại kế hoạch can thiệp phù hợp với từng đối tượng”.

Trong năm qua, nhiều cấp, ngành cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ tốt nhất cho TE, nhất là với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tính đến nay, số TE có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển đạt trên 92%. Tổng kinh phí được tỉnh đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ TE năm 2017 là trên 7,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động xã hội hóa lên đến gần 6 tỷ đồng.

Nguyễn Duyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn