Nỗ lực phòng, chống tệ nạn mua bán người có hiệu quả

Cập nhật ngày: 05/12/2020 05:35:55

ĐTO - Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ–TB&XH) đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Trên cơ sở đó, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mua bán người; thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán, giúp các nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng.


Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) phối hợp Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho người dân khu vực biên giới

Sở LĐ–TB&XH phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: xây dựng chuyên trang trên báo; lồng ghép vào các hội thi, hội diễn văn nghệ, tiểu phẩm; tuyên truyền trực tiếp và phát tài liệu cho người dân... Giai đoạn 2016 – 2020, Sở đã xây dựng 53 chuyên trang phòng, chống tệ nạn xã hội trên Báo Đồng Tháp, phát hành 10.941 tờ báo và 11.100 cuốn Bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát hành cho các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp các ngành liên quan tổ chức 23 cuộc tập huấn cho 4.248 lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội lồng ghép các chính sách về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp tuyên truyền được 11.697 buổi, có trên 1.037.815 lượt người tham dự; cấp phát 58.500 tờ bướm, lắp mới và treo 1.396 pa-nô, áp phích tại khu vực chợ và khu đông dân cư; tổ chức 64 buổi chiếu phim tuyên truyền có 18.000 lượt người xem... Từ đó, giúp quần chúng Nhân dân, nhất là các chị em phụ nữ, các bậc cha mẹ nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ con em và bản thân, không để các đối tượng mua bán người lợi dụng phạm tội.

Lực lượng Công an, Quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã duy trì tốt mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các lực lượng chức năng của các nước. Qua đó, chủ động trao đổi thông tin, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người; phối hợp điều tra, truy tìm, bắt giữ đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân bị mua bán. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Phụ nữ Campuchia Vì Hòa bình và Phát triển tỉnh Prâyveng thực hiện có hiệu quả Bản thỏa thuận hợp tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời thường xuyên phối hợp trong công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức phụ nữ về hành vi của các loại tội phạm, góp phần thực hiện công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tệ nạn mua bán người nói riêng...

Thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, hàng năm, Công an tỉnh triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”; thường xuyên rà soát các tuyến, địa bàn trọng điểm để chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người. Tính từ năm 2016 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 32 vụ việc có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội mua bán người (giảm 5 vụ so với giai đoạn trước), với 38 đối tượng và 37 nạn nhân. Qua công tác xác minh, điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố 3 vụ, 4 bị can; chuyển địa phương khác xử lý theo thẩm quyền 2 vụ; xử phạt hành chính 3 vụ, 4 đối tượng; không có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật 20 vụ và tiếp tục xác minh làm rõ 1 vụ.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội còn phối hợp thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương. Theo đó, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận, xác minh và giải cứu đưa về gia đình an toàn 6 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc; tiếp nhận 1 nạn nhân do Trung Quốc trao trả; phối hợp với gia đình bị hại hướng dẫn cho 24 nạn nhân tự giải cứu trở về địa phương (trong đó có 19 người ở Trung Quốc, 3 người ở Malaysia và 2 người ở Campuchia). Sau khi trở về, các nạn nhân được hỗ trợ khó khăn ban đầu theo quy định pháp luật như: đưa về địa phương theo nguyện vọng, tư vấn tâm lý, giới thiệu việc làm... Hiện nay, tất cả các nạn nhân đã ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Kiềm chế, ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tệ nạn mua bán người, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người đến với người dân. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn; đẩy mạnh công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp xã hội, tái hòa nhập tốt với cộng đồng...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn