Công ty CP Cấp nước - Môi trường đô thị Đồng Tháp
Nơi Công đoàn như... “bát nước đầy”
Cập nhật ngày: 12/04/2019 10:05:38
ĐTO - Có một tổ chức Công đoàn (CĐ) luôn tìm nhiều cách để giúp người lao động (NLĐ) khó khăn cải thiện nhà ở, vươn lên trong cuộc sống, trong công việc. Đó chính là Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty CP Cấp nước - Môi trường đô thị Đồng Tháp (DOWASEN) - đơn vị 3 năm liên tiếp được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng thưởng danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.
Công đoàn cơ sở DOWASEN đón nhận Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động Đồng Tháp
Từ chiến dịch xóa dột....
“Đã hơn nửa năm rồi, nhưng thỉnh thoảng đang ngủ bỗng giật mình vì bất ngờ”- trong ngôi nhà khang trang tọa lạc tại ấp Hòa Lợi, xã Hòa An (TP.Cao Lãnh), chị Phạm Thị Thắng - công nhân DOWASEN bồi hồi nhớ lại cảm giác hạnh phúc đẹp hơn cả giấc mơ mà tổ chức CĐ đã mang lại cho mình - “Trước đây có nằm mơ, tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ có được ngôi nhà thế này”.
Sinh ra trong gia đình nghèo lại là người con duy nhất sống với mẹ đã 85 tuổi lại mang trong người nhiều chứng bệnh như suy tim độ 3... với tiền thuốc lên đến cả triệu đồng/tháng, vì vậy dù rất tằn tiện, nhưng đồng lương công nhân môi trường chỉ đủ giúp chị trang trải cuộc sống hàng ngày. Do đó việc sửa chữa ngôi nhà “mưa dột, cột xiêu” được cất bằng cây tạp cách đây hơn 30 năm, đối với chị xa vời hơn cả giấc mơ. Sức khỏe mẹ già ngày một giảm, cần nghỉ ngơi tịnh dưỡng, nhưng trớ trêu thay, ngôi nhà cũ nát đã vô tình phá vỡ vụn nhu cầu rất đỗi đời thường đó. “Nhiều hôm đang ngủ, phải bật dậy vì mưa đổ nước ướt khắp nhà, ướt cả chỗ ngủ của mẹ. Những lúc nhìn mẹ già bệnh tật bị đánh thức giữa đêm khuya... chỉ biết chảy nước mắt vì... lực bất tòng tâm” - giọng chị Thắng bỗng trở nên nghèn nghẹn - “Anh chị em cũng nghèo, người thiếu trước, kẻ hụt sau, nên dù rất muốn, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra cách ...”. Đang lúc tưởng chừng như bế tắt thì CĐ xuất hiện. “Như bà tiên trong chuyện cổ tích lúc xưa mẹ kể vào những đêm hè” - chị Thắng bồi hồi - “Em mới vào làm việc, vậy mà CĐ của Công ty không chỉ hỗ trợ mà còn tạo ra cả phong trào hỗ trợ...”.
Sau khi khảo sát, nắm được gia cảnh của chị Thắng, CĐCS DOWASEN đã liên hệ và được LĐLĐ Đồng Tháp đồng ý cấp Mái ấm Công đoàn trị giá 35 triệu đồng. Nhưng quan trọng hơn là, sau nghĩa cử này đã khơi gợi và làm lan tỏa ra tình cảm cộng đồng theo kịch bản do CĐ xây dựng.
Ông Bùi Minh Nhựt - Ủy viên thường vụ CĐCS DOWASEN “bật mí”: “Thông thường, sau khi thống nhất đầu tư, CĐ tổ chức buổi gặp mặt thân nhân gia đình đoàn viên. Bên ngoài gọi là công bố chính sách đầu tư, nhưng thực chất bên trong là ngầm để phát động người thân chung tay hỗ trợ thêm”. Nhờ cách khơi gợi “tình làng nghĩa xóm” mà nhiều người đã “mở lòng”. Của ít, lòng nhiều, mỗi người một ít và chính những cơn gió tưởng chừng chỉ thoang thoảng ấy đã tích tụ thành cơn bão lớn... Kết quả là đã dựng lên ngôi nhà 4,5x12m với vách tường, nền lót gạch bông... khang trang và đẹp nhất xóm. Tháng 8/2017, ngôi nhà hoàn thành với niềm vui nhân đôi, bởi trong lễ trang trọng này, CĐCS DOWASEN còn tặng cho chị Thắng món quà trị giá hơn triệu đồng.
Đây là 1 trong số hàng chục người lao động (NLĐ) được thụ hưởng Chương trình “Xóa nhà dột” do CĐ DOWASEN khai sinh.
Chuyện bắt đầu vào năm 2005. Chị Lê Hải Trang - Chủ tịch CĐCS DOWASEN nhớ lại: “Năm đó vừa sáp nhập bộ phận “môi trường” vào “cấp nước”. Tại buổi họp mặt đầu tiên, thấy công nhân “môi trường” tự ti vì cuộc sống còn nhiều khó khăn..., Giám đốc công ty đã chỉ đạo CĐCS lập kế hoạch rồi cùng trực tiếp đến tận nhà tặng quà từ nguồn Quỹ phúc lợi đơn vị”. Tuy nhiên, từ chuyến đi này đã khai sinh ra Chương trình “Xóa nhà dột”. Sau khi tận mắt chứng kiến nhiều người trong bộ phận môi trường sống trong những căn nhà tạm bợ được che bằng ni-lông hoặc mái lá đã mục nát... mà theo diễn tả của chị Trang nhìn lên là thấy đến mấy ông trời, vì mái nhà dột nát bấy hết.
Thế là CĐ đã tham mưu và được lãnh đạo công ty chấp thuận thực hiện Chương trình “Xóa nhà dột”. “Nguồn Quỹ phúc lợi” có hạn mà nhu cầu lại rất lớn, lại còn phải quan tâm nhiều lĩnh vực khác như: tăng thu nhập, hay vận động gây Quỹ xã hội để chăm lo mỗi khi gia đình đoàn viên hữu sự... nên chỉ có thể triển khai nhà theo tiêu chí đảm bảo nền lót gạch tàu và mái lợp tôn với tổng mức hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng/nhà. Về sau, mức hỗ trợ tăng dần theo đà tăng trưởng của Quỹ phúc lợi, rồi sự sáng tạo trong cách làm của CĐ trong việc lồng ghép vào chương trình Mái ấm Công đoàn từ “Quỹ tấm lòng vàng”, kết hợp với khơi gợi đóng góp từ cộng đồng... đã nhanh chóng tạo ra sức lan tỏa rộng.
Công đoàn cơ sở DOWASEN bàn giao Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Công đoàn bộ phận môi trường
Đến xóa dốt... thành cử nhân
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện CĐ nơi đây đã chủ động tìm tòi và triển khai thực hiện nhiều chính sách chăm lo “dài hơi” cho NLĐ. Do điều kiện đặc thù, trước đây, nhiều NLĐ ở DOWASEN bị mù chữ. Tận mắt chứng kiến toàn cảnh từ những ngày đầu, chị Hải Trang nhớ rõ mồn một câu chuyện cười ra nước mắt: “Ngày lãnh lương, CĐ phải cử người xuống để hướng dẫn các anh chị chỗ “lăn tay” thay vì ký tên để lãnh lương... vì không biết tên mình nằm ở chỗ nào”- chị Trang bồi hồi - “Vậy mà có lúc vẫn trật lên, trật xuống”.
Trước thực trạng này, CĐ DOWSEN đã chủ động xin ý kiến và được lãnh đạo công ty cho phép tổ chức lớp xóa mù. “Bây giờ nói ra thì thấy có vẻ đơn giản, nhưng lúc đó để làm được điều này là cả một kỳ công” - chị Trang nhớ lại - “Đa phần anh em bộ phận vệ sinh làm việc từ đêm đến 2-3 giờ sáng, nên nếu cứng nhắc theo giờ hành chính là hỏng ngay. Phải tính toán thật hợp lý để thu hút anh em đến và lưu lại với lớp học”. Đó là chưa kể đến “núi” khó khăn trong việc dạy - học với người “cầm chổi dễ hơn cầm bút”. Đó còn là khó khăn khi không có kinh phí bồi dưỡng giáo viên...
Nhưng với quyết tâm “Vì NLĐ”, CĐ DOWASEN đã ló cái “khôn”. Không tiền, thì vận động đoàn viên trong công ty xuất thân từ nghề giáo tham gia dạy học “miễn phí”.... Cứ thế, từng bước tháo gỡ khó khăn. Chỉ sau 5 tháng triển khai, đã chấm dứt tình trạng công nhân môi trường phải “lăn tay” khi lãnh lương.... Hơn thế nữa, qua đó còn gợi mở cho NLĐ bội thu khác, mang tính dài hơi, tích cực và bền vững hơn... Điển hình là trường hợp chị Lê Thị Lịch. Sau khi biết chữ, chị tiếp tục học nâng cao trình độ và từ bộ phận môi trường, chị được bố trí công tác tại Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp. Hay trường hợp của Đỗ Bá Cường. Bị khuyết tật một phần cơ thể, nhưng được CĐ tạo điều kiện, Cường đã học xong chương trình kỹ sư tin học và trở thành “cây sáng kiến” phần mềm, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen sáng tạo....
Mới đây, CĐ lại tham mưu Ban giám đốc cho bộ phận “ghi thu” đi học ngành điều hành máy để chuyển đổi nghề sau khi việc đóng tiền hàng tháng được thực hiện qua hệ thống ngân hàng.
Ông Bùi Minh Nhựt thăm hỏi mẹ chị Phạm Thị Thắng
Không dừng ở đó, CĐ còn chủ động tham mưu với công ty ban hành quy chế ưu tiên giải quyết việc làm cho con NLĐ thâm niên và tạo điều kiện cho thế hệ mới phát triển. Điển hình là trường hợp Lê Mỹ Linh (con chị Lê Thị Lịch). Tốt nghiệp Quản trị kinh doanh (hệ cao đẳng), Linh được ưu tiên vào làm nhân viên “Chăm sóc khách hàng”. Sau thời gian công tác, được CĐ tạo điều kiện học và tốt nghiệp đại học ngành kế toán... Linh lại được CĐ đề nghị xét nâng ngạch chuyên viên. Tuy nhiên, điều khiến cho NLĐ ở DOWASEN nỗ lực học tập, gắn bó lâu dài với công ty không chỉ là sự “sòng phẳng” mà chính là sự ứng xử như “người trong nhà”. Mấy năm gần đây, CĐ còn tham mưu để lãnh đạo công ty dành cho NLĐ sự quan tâm đặc biệt. Vào “Tháng công nhân” soạn và gởi “Thư cám ơn” đến từng chi nhánh để lãnh đạo đọc lên trong buổi lễ. Với những lời chân tình: “Cho dù làm ở bộ phận nào, NLĐ cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động, kinh doanh của công ty và là 1 bộ phận không thể thiếu để công ty phát triển... Công ty thật sự là ngôi nhà chung, là nơi để NLĐ tin tưởng, cống hiến và gắn bó”... Đó không chỉ là sự khẳng định mà còn là lời nhắc nhớ, lời hiệu triệu đầy nhân ái, nhân văn của tổ chức CĐ thật sự do NLĐ và vì NLĐ!
Lục Tùng