Ông Nguyễn Hữu Phước - Hơn 30 năm giữ “yên giấc ngủ” cho các liệt sĩ

Cập nhật ngày: 27/07/2018 10:34:32

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018072701125527-7 Ong Nguyen Huu Phuoc-Bich Lieu.mp3

ĐTO - Sinh ra trong gia đình cách mạng, cha là liệt sĩ, anh trai là thương binh, chứng kiến những tấm gương hy sinh anh dũng của cha, anh, nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống vì hòa bình, năm 1986, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Hữu Phước (SN 1967) ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh đã chọn công việc giữ “yên giấc ngủ” cho các liệt sĩ như sự tri ân, báo đáp công lao những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.


Chú Nguyễn Hữu Phước thắp hương mộ liệt sĩ

20 tuổi, chưa lập gia đình, Nguyễn Hữu Phước đã xin vào làm bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cùng với 12 người khác trong Ban Quản lý nghĩa trang thời bấy giờ để chăm lo hương khói, quét dọn cho 3.000 ngôi mộ liệt sĩ. Tuy công việc chính là bảo vệ tài sản của nghĩa trang nhưng hàng ngày, chú Phước vẫn cùng với mọi người nhổ cỏ, cắt tỉa cây cảnh, cây bóng mát, lau chùi bia mộ để nghĩa trang được sạch đẹp, khang trang. Đến năm 1987, tỉnh chọn xã Phú Thọ, huyện Tam Nông làm điểm mở rộng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và quy tập hài cốt liệt sĩ về thành lập Nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông, chú Phước được cử về quản lý và kiến tạo nơi đây (năm 1992).

Chú Phước cho biết, khi đó còn hoang vu lắm, đất đai hoang hóa, Nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông lại nằm trong vùng trũng, đất phèn với 1.200 ngôi mộ nhưng chỉ có chú và một người khác được cử về làm chung. Với vai trò quản lý, chú đã tham mưu với Ban quản lý nghĩa trang tỉnh nhận thêm 6 lao động tại địa phương để cùng chăm sóc và kiến tạo lại nghĩa trang. Thời gian đầu, nghĩa trang không có trụ sở, chú và mọi người phải sống trong kho của Sở Xây dựng. Một ngày của chú Phước và mọi người bắt đầu từ sáng sớm với việc quét dọn khu nghĩa trang rộng hơn 1ha, sau đó khuân đất đắp mộ, rồi trồng cây cảnh, trồng hoa, nhổ cỏ. Mùa mưa thì công việc vất vả hơn do cây, cỏ mọc nhanh, anh em phải làm liên tục. Sang mùa khô thì làm nhiệm vụ tưới cây. Việc tưới cây cũng không hề đơn giản, phải khoan giếng và gánh từng thùng đi tưới bởi nước mặt ở đây đều nhiễm phèn. Làm đâu xong đó, hôm sau chuyển nơi khác, cứ thế, công việc “cuốn chiếu” cho đến lúc nghĩa trang phong quang, sạch đẹp mới thôi. Thế nhưng cũng có khi “thời gian biểu” của chú và mọi người bị đảo lộn bởi mưa nắng, bão bùng hoặc chẳng may phần mộ nào đó bị hư hại.

Làm việc ở Tam Nông nhưng gia đình ở huyện Cao Lãnh, đường xá trước đây rất khó khăn đi về mất cả ngày nên cả tháng chú Phước mới về thăm vợ con (chú lập gia đình năm 1989). Quyết tâm bám trụ giữ yên giấc ngủ cho các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông, năm 1994, chú Phước mua đất và chuyển vợ con về Tam Nông chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình để yên tâm công tác. Thời gian trôi qua, với tâm huyết của chú Phước và những người làm việc nơi đây đã góp phần làm cho nghĩa trang từ hoang vu trở thành khang trang, cây cảnh, đèn hoa rực rỡ và ấm cúng khói hương dù đã có hơn 5.000 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập về đây. Chú Phước chia sẻ: “Suốt 30 năm qua, chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề. Với tôi, đây là nghề mà tôi chọn bằng cả lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Những người nằm đây dù ở lứa tuổi nào cũng đều là đồng đội của ba tôi, là cha, anh tôi. Làm công việc này chính là tôi đang ngày ngày được sống cùng họ, được nâng giấc cho họ yên nghỉ. Vui lắm chứ, tự hào lắm chứ. Tôi sẽ còn làm đến khi sức khỏe không cho phép nữa thì thôi”.

Bà Lê Thị Hoa Nàng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: “Anh Phước đã gắn bó với nghiệp quản trang hơn 30 năm. 30 năm qua, anh luôn tận tâm, hết lòng cùng mọi người giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ sạch đẹp, ấm cúng, anh là một trong những người góp phần bồi đắp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Chú Nguyễn Hữu Phước hiện là Phó trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, phụ trách quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh tại Tam Nông.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn