Phát huy hiệu quả nội lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
Cập nhật ngày: 24/03/2020 05:53:06
ĐTO - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã lãnh, chỉ đạo triển khai, thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn xổ số kiến thiết và các nguồn vốn khác, các công trình, dự án được xây dựng, hoàn thiện phục vụ cho người dân ở các xã nông thôn mới như hạ tầng giao thông nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo, tặng thẻ bảo hiểm y tế, củng cố, phát triển các Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng (VH-HTCĐ)...
Ông Lưu Hoàng Tân – Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp (đứng thứ 5 từ trái sang) bàn giao nhà tình thương cho gia đình chính sách tại huyện Tân Hồng
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã kiện toàn bộ máy gồm củng cố thành viên và bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các đơn vị, địa phương đã triển khai, thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, xây dựng các dự án mô hình hỗ trợ thoát nghèo theo hướng nâng cao trách nhiệm các hộ nghèo tham gia chương trình, hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn, mở rộng chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hơn 100 hộ gia đình, tham gia mô hình chăn nuôi bò, vịt, nuôi ong lấy mật, máy phun thuốc trừ sâu, trồng hoa màu... Củng cố, xây dựng dự án mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản tại huyện Hồng Ngự; hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Đồng thời triển khai xây dựng các dự án tại các huyện: Lai Vung, Tam Nông, Thanh Bình và huyện Hồng Ngự, hỗ trợ cho hơn 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hơn 80 hộ tham gia.
Nhiều địa phương phát huy hiệu quả nội lực cộng đồng, sự đóng góp của người dân, công ty, doanh nghiệp, tổ chức xã hội vào các chương trình. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... luôn được quan tâm, phát huy hiệu quả tích cực. Năm 2019, toàn tỉnh có 153 căn nhà được xây mới, trong đó 40 căn nhà Đại đoàn kết; 58.475 người được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; trên 5.000 suất thuốc được cấp phát miễn phí. Chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy các mô hình “Tổ hùn vốn”, “Mỗi Chi hội giúp ít nhất 1 hộ hội viên nghèo thoát nghèo”, “3 hộ khá, giàu giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, phát động mỗi huyện, thị, thành phố hỗ trợ ít nhất 3 sản phẩm khởi nghiệp, tạo điều kiện cho người nghèo, người lao động nông thôn phát triển kinh tế gia đình. Thành lập 34 Câu lạc bộ Người đồng hành với 214 thành viên...
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành 3.564 cuốn sổ tay giảm nghèo; thiết kế và đặt panô tuyên truyền, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”. Đến cuối năm 2019, hộ nghèo chỉ còn 12.542 hộ, chiếm 2,73%. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, có 14 xã đăng ký thực hiện xã nông thôn mới nâng cao. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2020, đồng thời chọn xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười), xã Định Yên (huyện Lấp Vò) và xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) thí điểm thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh đang tiếp tục thực hiện mô hình tuyến đường, vườn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh và xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh.
Nhằm góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần cho người dân vùng nông thôn, năm 2019, từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương, tỉnh đã phân bổ 1,2 tỷ đồng với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa nông thôn. Toàn tỉnh có 78 Trung tâm VH-HTCĐ được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, 254 Nhà văn hóa ấp xây mới, 24 Nhà văn hóa sinh hoạt chung với Trung tâm VH-HTCĐ, 20 Nhà văn hóa liên ấp, 212 Nhà văn hóa sử dụng trụ sở Ban nhân dân ấp, các ấp còn lại sử dụng các thiết chế văn hóa khác để hoạt động; có 11 Thư viện xã; 133 Tủ sách pháp luật, phòng đọc sách cấp xã và 42 Tủ sách khuyến học.
Mô hình “Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động”: từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ năm 2019, có 26 công trình được hỗ trợ thực hiện tại 25 xã diện, trong đó dân đóng góp tiền mặt, hiến đất, vật kiến trúc, cây xanh, ngày công lao động chiếm 51,53% vốn. Đến nay 153/153 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác; gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025. Cấp ủy, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực đầu tư duy tu, bảo dưỡng các công trình sau khi đã hoàn thành, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng. Duy trì các kết quả xã đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Có ít nhất 3 xã nông thôn mới đạt chuẩn nâng cao, hướng đến kiểu mẫu...
C.PHƯƠNG