Sản phẩm đặc sản làng nghề vào mùa sản xuất Tết
Cập nhật ngày: 31/01/2019 06:53:50
ĐTO - Nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các làng nghề chế biến món ăn đặc sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang đẩy mạnh khâu sản xuất. Dù đã tăng cường nhân lực, nhịp độ sản xuất nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường.
Sản xuất nem tại Cơ sở nem Hoàng Khánh (huyện Lai Vung)
Nem Lai Vung là món ăn từ lâu vang danh khắp cả nước. Vào dịp Tết Nguyên đán, món ăn đặc sản này càng được người tiêu dùng quan tâm. Đến với Cơ sở Nem Út Thẳng vào những ngày cuối năm mới cảm nhận được không khí làm việc hối hả của hơn 40 công nhân tại đây.
Cô Nguyễn Thị Ngân - chủ cơ sở Nem Út Thẳng (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cho biết: “Từ tháng trước, cơ sở phải tăng công suất mới đủ sản lượng nem cung cấp cho các đại lý. Hiện tại, trung bình cơ sở sản xuất khoảng 4.000 chiếc nem/ngày. Dù áp lực công việc nhiều nhưng cơ sở luôn đặt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu để giữ vững thương hiệu nem Lai Vung không chỉ chất lượng mà còn an toàn”.
Theo các chủ lò nem trên địa bàn huyện Lai Vung, bí quyết để làm nên một chiếc nem ngon cần có nguyên liệu thịt heo chất lượng, tỷ lệ thịt và da heo phù hợp và gia vị tẩm ướp. Khi chọn được thịt heo ngon, nguyên liệu sẽ đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được lạng nhỏ thành từng miếng sau đó trộn với các gia vị tiêu, ớt và lót kèm lá vông. Sau đó nem được gói lại bằng lá chuối, để vài ngày cho lên men, nem sẽ có hương vị đậm đà.
Tương tự sản phẩm nem, từ cuối tháng 11 âm lịch, nhiều cơ sở sản xuất bì mắm trên địa bàn huyện Lấp Vò bắt tay vào sản xuất phục vụ nhu cầu Tết. Tại cơ sở sản xuất bì mắm Đông Nguyên (xã Bình Thạnh Trung), nhân công lao động tất bật chuẩn bị các nguyên liệu và phụ phẩm như lá chuối, lá vông để chủ động trong sản xuất.
Vào dịp Tết, khách chọn mua món đặc sản này về sử dụng và làm quà biếu tăng lên gấp 5 – 6 lần so với ngày thường. Cơ sở này cũng góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, mỗi lao động làm việc tại cơ sở có thu nhập từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày
Ông Nguyễn Phú Cường - chủ Cơ sở sản xuất bì mắm Đông Nguyên cho biết: “Vào dịp Tết, cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 – 3.000 chiếc mỗi ngày. Để kịp đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng, cơ sở phải làm việc hết công suất. Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân công tiến hành khâu sát trùng vật liệu gói. Sau khi gói, bì mắm để qua một đêm rồi cho vào máy hút chân không và để thêm 3 - 4 ngày là có thể dùng...”.
Đến làng bột Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc những ngày này, không khí làm việc trở nên tất bật để chuẩn bị cho những đơn hàng Tết. Theo nhiều hộ sản xuất hủ tiếu tại TP.Sa Đéc, những ngày gần đây, đơn đặt hàng có tăng khoảng 20% so với năm trước. Do giá nguyên liệu chính là bột ổn định nên giá bán hủ tiếu vẫn giữ mức bình ổn. Dịp Tết, mỗi hộ có thể cung ứng khoảng hơn 20 - 30 tấn hủ tiếu ra thị trường, với giá bán dao động từ 17.000 – 20.000 đồng/kg hủ tiếu (tùy loại).
Khánh Trang