Sự bền bỉ và hiệu quả của một mô hình hùn vốn
Cập nhật ngày: 19/03/2019 13:23:00
ĐTO - Chi hội Phụ nữ (PN) ấp 5, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình vận động hội viên tham gia các tổ tiết kiệm (TTK), tổ hùn vốn (THV), giúp chị em cải thiện kinh tế và cuộc sống gia đình. Điều đặc biệt là mô hình này phát huy hiệu quả và duy trì hoạt động suốt hơn 14 năm qua.
Mô hình hùn vốn giúp gia đình chị Trần Thị Bích Loan xây dựng được ngôi nhà mới
Từ tổ tiết kiệm 100 ngàn đồng
Cách đây gần 20 năm, ấp 5, xã Tân Mỹ là một trong những địa phương thuộc vùng sâu của huyện Thanh Bình. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề trồng lúa, nhiều hộ sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của PN vùng sâu nơi đây, năm 2000, Chi hội PN ấp 5 vận động chị em tham gia TTK với 10 thành viên (TV). Hàng tháng, mỗi TV góp 100 ngàn đồng để cho mượn xoay vòng. Đến năm 2003, số lượng TV dần tăng lên nên tổ có chút thay đổi trong cách thức hoạt động. Thay vì cho mượn thì tổ cho vay (từ 1 - 5 triệu đồng/người) với lãi suất thấp, thời hạn 3 tháng để đầu tư kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi... Tiền lãi dùng thăm TV bị bệnh, thai sản, tổ chức liên hoan, tặng quà dịp tất niên. Cuối năm, số tiền lãi còn lại và cả vốn được trả hết cho chị em.
Với cách quản lý khéo léo, cẩn thận, đa số chị em sử dụng vốn vay hiệu quả và tỉ lệ hoàn trả vốn đúng hạn cao. Đến nay, TTK của Chi hội PN ấp 5 có gần 100 TV, số tiền tiết kiệm hàng tháng cũng đã tăng lên. Đây là một kênh hiệu quả trong việc vận động, tập hợp chị em vào Chi hội PN; kịp thời giải quyết nhu cầu về vốn cho chị em phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình chị Trần Thị Dương (SN 1968) rất nghèo, không đất canh tác. “Tham gia TTK, được vay tiền lãi suất thấp, tôi thuê đất làm ruộng, nuôi heo, nuôi vịt... Cùng với sự nỗ lực lao động và tiết kiệm nên kinh tế gia đình dần cải thiện. Tôi mua hơn 4.000m2 đất, xây dựng ngôi nhà kiên cố gần 300 triệu đồng và mua sắm vật dụng gia đình...” - chị Dương phấn khởi cho hay.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp PN xã Tân Mỹ cho biết: Chi hội PN ấp 5 tích cực hưởng ứng các phong trào: “PN nâng cao nhận thức pháp luật”, “PN với an toàn giao thông”, mô hình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới... Chị em có tinh thần tự lực vươn lên trong cuộc sống, chí thú làm ăn, siêng năng lao động. Các TTK, THV của Chi hội PN ấp 5 duy trì hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển; giúp hội viên có thêm điều kiện cải thiện kinh tế gia đình”.
Đến tổ hùn vốn 10 triệu đồng
Với hiệu quả mà TTK mang lại, Chi hội PN phối hợp Chi hội Nông dân ấp 5 thành lập thêm các THV với số tiền lớn hơn. Năm 2004, có 2 THV ra đời, trong đó có 1 tổ hùn 1 triệu đồng/người/mùa lúa và 1 tổ hùn 2 triệu đồng/người/mùa lúa. Mỗi tổ 10 TV, sinh hoạt định kỳ 2 lần/năm - sau mỗi vụ thu hoạch lúa (đông xuân và hè thu). Suốt 15 năm qua, mô hình hùn vốn ở ấp 5 không ngừng phát triển. Từ 2 THV ban đầu, đến nay đã tăng lên 5 tổ (1 tổ 3 triệu đồng, 2 tổ 5 triệu đồng, 2 tổ 10 triệu đồng). Trước khi thành lập tổ, Chi hội PN phối hợp xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động rồi trình chính quyền địa phương; phát mẫu đơn xin vào THV; lập danh sách những người xin vào tổ (có sự đồng ý của chủ hộ và người thừa kế trong gia đình); thành viên viết bản cam kết thực hiện đúng quy chế. Người muốn tham gia tổ phải sở hữu đất canh tác từ 5.000m2 trở lên, có uy tín... Còn đối tượng chưa sở hữu đủ diện tích đất hay tài sản theo quy định thì phải được người có nhiều đất đai khác bảo lãnh. Đối tượng này được tham gia hùn vốn hay không là do tổ trưởng và các TV còn lại trong tổ xem xét, quyết định. Mỗi người có thể đồng thời tham gia từ 1 THV trở lên, tùy vào giá trị tài sản sở hữu.
Tham gia THV từ những ngày đầu thành lập, chị Trần Thị Bích Loan bộc bạch: “Những đợt hốt vốn trước, tôi mua xe máy, laptop, tủ lạnh, tivi... Đợt rồi, vợ chồng tôi tham gia 3 THV. Gia đình tôi vừa xây dựng ngôi nhà kiên cố, trị giá khoảng 700 triệu đồng, trong đó gần 300 triệu đồng là tiền tích lũy từ các THV”. Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Bé Tám (SN 1969), THV thật sự là giải pháp tiết kiệm hữu hiệu, giúp phát triển kinh tế. “Lần đầu tiên nhận số tiền hốt được từ THV, vợ chồng tôi thuê gần 2ha ruộng để canh tác. Rồi cũng nhờ tiền tiết kiệm của tổ mà tôi phụ vào, cất căn nhà mới khoảng 180 triệu đồng” - chị Bé Tám chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Bé Sáu - Chi hội phó Chi hội PN ấp 5, THV đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua những lần sinh hoạt tổ, chị em có dịp gặp gỡ, trao đổi, thắt chặt hơn tình đoàn kết; giúp chị em tiết kiệm được số tiền lớn để mua sắm vật dụng trong gia đình, lo cho con học hành, đầu tư sản xuất kinh doanh, mua xe, mua máy cày, xây nhà... THV góp phần giúp 11 TV xây nhà mới và 1 TV sửa nhà. Nhờ thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức, lựa chọn người tham gia và ý thức trách nhiệm của các thành viên nên mô hình THV ở ấp 5 duy trì suốt 15 năm qua.
NHỰT AN