Tấm lòng của dòng họ Mai ở Vàm Định Yên
Cập nhật ngày: 13/10/2017 09:52:32
ĐTO - Ở Vàm Định Yên bên bờ sông Hậu, thuộc 2 xã Định Yên và Định An, huyện Lấp Vò có dòng họ Mai lấy công việc làm từ thiện xã hội làm niềm vui. Từ đời ông, đời cha cho đến đời cháu, bao giờ người ta cũng thấy họ tất bật với các công việc thiện nguyện: sưu tầm thuốc nam, xây cầu đường nông thôn, hỗ trợ cất nhà cho người nghèo,...
Cầu Mai Văn Đâu trên đường ĐH66 nối liền xã Định Yên và xã Vĩnh Thạnh
Những người tiên phong của dòng họ
Một trong những người khởi thủy cho phong trào thiện nguyện của dòng họ Mai ở Vàm Định Yên là ông Mai Văn Đâu (tên thường gọi Hai Đâu) ở ấp An Lợi B, xã Định Yên. Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Hai Đâu vốn là thợ cơ khí trình độ hết tiểu học nhưng khá lành nghề. Mỗi khi xong công việc gia đình là ông lại đi trong và ngoài huyện sưu tầm thuốc nam giúp cho Phòng thuốc nam của xã trị bệnh miễn phí cho người dân.
Trong những chuyến đi như thế, ông Hai Đâu thấu hiểu nỗi vất vả của người dân vùng sâu vì đường xá lầy lội, kênh rạch chằng chịt chỉ được nối nhau bằng cầu khỉ lắt lẻo. Mong muốn giúp người dân đi lại thuận tiện, ông Hai Đâu đã đứng ra vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để làm cuộc cách mạng “xóa cầu khỉ” thay bằng cầu ván, đồng thời tổ chức rải đá chống lầy cho các tuyến đường đất. Vì làm việc có trách nhiệm, thu chi tài chính rõ ràng nên việc xây dựng cầu đường của ông Mai Văn Đâu đã được các mạnh thường quân ủng hộ nhiệt tình. Kết quả, trong thập niên 90 của thế kỷ 20, hàng chục cây cầu ván và nhiều tuyến đường được ông xây dựng hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.
Qua thời gian sử dụng, những câu cầu ván và các tuyến đường đất đã trở nên lỗi thời trước nhu cầu phát triển ở địa phương. Năm 2001, ông Hai Đâu tiếp tục thực hiện cuộc “thay máu” cầu ván bằng những cây cầu bê tông vững chải có trọng tải từ 2,5 - 5 tấn do tự ông thiết kế và chỉ huy thi công. Tính đến giữa năm 2016 - khi ông Hai Đâu mất sau một cơn bạo bệnh, ông đã thiết kế, tổ chức vận động kinh phí và chỉ huy Đội Xây dựng cầu đường xã Định Yên bắc được trên 70 cầu gỗ và gần 100 cầu bê tông ở Đồng Tháp và các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long,... với tổng trị giá trên 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, mỗi năm, ông Hai Đâu còn tổ chức vận động gần 50 tấn thuốc nam để trị bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng thời vận động hàng chục triệu đồng để giúp đỡ các gia đình khó khăn trong và ngoài xã.
Để thực hiện những việc làm ý nghĩa trên, ông Hai Đâu đã nhận được sự đồng hành và hỗ trợ kinh phí tích cực từ các mạnh thường quân. Trong đó, có ông Mai Văn Hinh (thường gọi là Hai Hinh) - một chủ lò đường ở xã Định Yên lúc bấy giờ, đồng thời cũng là anh bà con chú bác ruột với ông Hai Đâu.
Tuy khá bận rộn với việc kinh doanh lò đường nhưng ông Hai Hinh cũng thường hay tháp tùng cùng ông Hai Đâu trong những chuyến đi làm cầu, đường nông thôn ở khắp nơi. Mỗi khi em mình (ông Hai Đâu) cần kinh phí cho hoạt động từ thiện là gia đình ông Hai Hinh sẵn sàng hỗ trợ. Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi năm, ông Hai Hinh ủng hộ cho ông Hai Đâu hàng chục triệu đồng để xóa cầu khỉ và rải đá các tuyến đường ở huyện Lấp Vò. Ngoài ra, với nguồn tài chính có được từ việc kinh doanh lò đường, ông Hai Hinh còn tích cực hỗ trợ kinh phí cho người nghèo chữa bệnh, cất nhà tình thương, tặng quà cho trẻ em nghèo,...
Hoạt động từ thiện xã hội đó là hạnh phúc của những người trong dòng họ Mai ở Vàm Định Yên. Sau khi ông Mai Văn Hinh mất, các con ruột của ông là Mai Chánh Yên, Mai Chánh Thể lại tiếp tục công việc từ thiện của ba mình. Còn “truyền nhân” của ông Hai Đâu trong việc làm cầu đường sau khi ông mất là anh Mai Thanh Tùng - con trai thứ 2 của ông.
Hơi thở cuối vẫn dành cho từ thiện
Bà Lê Ngọc Châu - vợ ông Hai Đâu cho biết, cuộc đời của ông gắn liền với công tác từ thiện. Bà bảo, lúc ông Hai Đâu còn sống, 2/3 thời gian của ông là công tác từ thiện. Ban ngày ông đi bắc cầu, làm đường từ thiện chỗ này đến buổi tối ông về nhà lại lập hồ sơ thiết kế để thi công cầu nơi khác. Nhìn ông say mê với công tác từ thiện, vợ ông cũng lo cho sức khỏe của chồng, nhưng đó là niềm vui của chồng nên bà Châu chỉ biết động viên ông. Bà Lê Ngọc Châu nói: “Cuộc đời chồng tôi gắn liền với việc làm từ thiện. Lúc trẻ thì đi sưu tầm thuốc nam, sau này thì chuyển qua làm cầu đường. Thấy ông làm từ thiện mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và tinh thần vui vẻ, phấn chấn nên tôi luôn động viên, gia đình, con cái ở nhà có tôi lo”.
Ông Mai Văn Đâu dành phần lớn cuộc đời mình cho hoạt động thiện nguyện, mang đến lợi ích thiết thực cho xã hội nên ông mất đi không chỉ để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình mà còn là sự tiếc nuối đối với nhiều người dân trong và ngoài huyện Lấp Vò. Anh Mai Thanh Tùng tâm sự: “Những giờ phút cuối trước khi mất, dù sức khỏe của ba tôi rất yếu nhưng ông vẫn nghĩ về việc bắc cầu. Ông kêu tôi lấy bộ hồ sơ về cây cầu chuẩn bị khởi công cho ông xem vì ông đã hứa với bà con địa phương, đồng thời căn dặn tôi tiếp tục thực hiện công việc của ba còn dở dang”.
Trong số những người của dòng họ Mai ở Vàm Định Yên dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động thiện nguyện xã hội còn ông Mai Chánh Yên - con trai của ông Hai Hinh.
Ông Yên là người tích cực đóng góp kinh phí để hỗ trợ cho các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương. Thấy Đội Xây dựng cầu đường xã Định Yên khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu làm cầu đường, ông Mai Chánh Yên liền tài trợ kinh phí gần 150 triệu đồng để Đội đóng xà lan vận chuyển vật liệu. Năm 2008, thấy người dân ở xã Định Yên và Định An mỗi lúc bệnh hoạn rất vất vả để đi đến bệnh viện, ông Yên liền mua xe chuyển viện trị giá gần 500 triệu đồng để chuyển viện miễn phí cho người nghèo. Ông còn tài trợ gần 150 triệu đồng mua xe tải để chở thuốc nam chữa bệnh cho người nghèo. Ngoài ra, ông Mai Chánh Yên còn thường xuyên thực hiện những chuyến sưu tầm thuốc nam và hỗ trợ kinh phí cất nhà tình thương, phát quà cho người nghèo các dịp lễ, Tết,... Hơi thở cuối cùng của ông Mai Chánh Yên cũng gắn liền với công tác từ thiện. Vào năm 2009, trong lúc lái xe vận chuyển thuốc nam từ Bình Dương về Đồng Tháp ông đã bị tai nạn giao thông và qua đời, để lại sự tiếc thương cho nhiều người.
Và những thế hệ sau tiếp nối
Công việc thiện nguyện xã hội chưa bao giờ ngưng ở dòng họ Mai. Sau khi ông Hai Hinh mất, có các con ông là Mai Chánh Yên và Mai Chánh Thể tiếp tục thực hiện các hoạt động từ thiện. Sau khi ông Yên mất có con trai ông là Mai Chánh Tài thực hiện tiếp các hoạt động từ thiện của cha mình. Hiện nay, hằng tháng anh Tài trao tặng 50 suất gạo (10kg/suất) cho hộ nghèo của huyện Lấp Vò, đồng thời gia đình anh cũng đóng góp kinh phí xây dựng cầu đường, cất nhà, hỗ trợ mai táng cho người nghèo, tài trợ kinh phí hoạt động xe chuyển viện với tổng kinh phí mỗi năm hàng trăm triệu đồng,... Anh Mai Chánh Tài cho biết: “Khi còn sống ông nội và cha tôi làm từ thiện rất nhiều. Tôi sẽ tiếp tục truyền thống của gia đình. Nhờ làm được việc có ích nên công việc kinh doanh gia đình cũng nảy nở thêm”.
Anh Mai Thanh Tùng (thứ 2 từ phải sang) - thế hệ tiếp nối truyền thống làm từ thiện của dòng họ Mai và các thành viên thực hiện cầu Chùa Bà, xã Hòa An, Chợ Mới (tỉnh An Giang)
Đối với công việc làm cầu đường của ông Hai Đâu, hiện tại đã có anh Mai Thanh Tùng thực hiện. Qua nhiều năm tháp tùng cùng Đội Xây dựng cầu đường xã Định Yên “chinh chiến” qua nhiều công trình cầu lớn nhỏ, anh Tùng đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm từ ba mình để lại. Sau ngày ông Hai Đâu mất, các thành viên Đội Xây dựng cầu đường xã Định Yên đã bầu anh Tùng làm Đội trưởng của Đội như vai trò của ba anh đảm nhiệm lúc còn sống.
Trong vai trò mới, anh Tùng phát huy tốt tố chất của người chỉ huy. Từ lúc ba anh mất vào tháng 6/2016 đến cuối tháng 9/2017, anh đã chỉ huy bắc được 17 cây cầu do anh thiết kế, trong đó có nhiều cầu có trọng tải lớn. Điển hình như cầu Mai Văn Đâu - mang tên ba anh trên đường ĐH66 nối xã Định Yên và xã Vĩnh Thạnh của huyện Lấp Vò chiều ngang 4,6m, dài 87m (tính luôn đường dẫn), trọng tải 8 tấn. Qua đó, cho thấy Mai Thanh Tùng xứng đáng là người đảm nhiệm vai trò và trọng trách của ông Hai Đâu để lại.
Anh Mai Thanh Tùng cho biết: “Lúc còn sống ba tôi đã học tập theo gương của Bác Hồ sống và làm việc hết mình vì lợi ích thiết thực của xã hội. Ba là tấm gương sáng cho gia đình tôi noi theo. Nếu điều kiện kinh tế gia đình ổn định, tôi sẽ tiếp tục công việc bắc cầu đến khi nào hết sức thì thôi”.
Ông Lê Phước Hải - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Định Yên, huyện Lấp Vò nhận xét: “Nhiều thế hệ trong gia đình anh Hai Hinh đã gắn bó với các hoạt động từ thiện ở xã Định Yên, Định An và mang lại lợi ích rất thiết thực cho xã hội. Riêng về anh Hai Đâu, nhờ anh mà xã đã vận động được nhiều mạnh thường quân bê tông hóa cầu đường ở địa phương, góp phần giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới về giao thông nông thôn. Sau khi anh mất, xã quyết định giao cho con của anh là Mai Thanh Tùng làm Đội trưởng Đội Xây dựng cầu đường của xã, đến nay Đội hoạt động rất tốt”.
Nghĩa cử và tấm lòng hoạt động từ thiện của dòng họ Mai ở Vàm Định Yên đã góp phần thay đổi cuộc sống người dân không chỉ riêng ở huyện Lấp Vò mà còn nhiều nơi khác ở tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, nhiều thành viên trong gia đình họ Mai đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen các cấp về hoạt động thiện nguyện xã hội, trong đó tiêu biểu nhất là ông Mai Văn Đâu đã được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua lần thứ II tỉnh Đồng Tháp và được chọn làm đại biểu đi dự Đại hội Thi đua toàn quốc, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phú Thuận