Tấm lòng của một người mẹ trung kiên
Cập nhật ngày: 08/09/2017 13:41:34
ĐTO - Trong chiến tranh, cô Võ Kim Hồng (SN 1950) ngụ ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò anh dũng tham gia chống giặc ngoại xâm. Hòa bình, cô cùng chồng cực khổ chăm sóc, tảo tần làm lụng nuôi 8 người con (trong đó có 3 người bị di chứng của chất độc da cam).
Cô Võ Kim Hồng
Sau hơn 5 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, cô Hồng lập gia đình với chú Nguyễn Trường Nữa (đã qua đời năm 2014) rồi lần lượt sinh 8 người con, gánh nặng mưu sinh đè trên đôi vai của vợ chồng cô. Tuy nhiên, tinh thần kiên cường, anh dũng trong kháng chiến tiếp tục được cô Hồng phát huy ở cuộc sống đời thường.
Cô Hồng nhớ lại: “Năm 1977, chúng tôi ra ở riêng, cha mẹ cho 10 công ruộng, làm lúa mùa. Chuột cắn phá, nước tưới tiêu không đảm bảo... nên thường thất mùa, lỗ vốn. Giai đoạn năm 1986 - 1999, kinh tế gia đình tôi lâm vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Chúng tôi phải lao động cật lực, làm thuê, giăng câu... kiếm ăn qua ngày”.
Ngoài lo miếng ăn, cái mặc, vợ chồng cô Hồng còn phải lo trị bệnh cho 3 đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Đó là Nguyễn Hồng Thắm bị kém trí nhớ, một mắt mù, một mắt mờ; Nguyễn Trường Khánh bị bại não, chân teo, chỉ nằm một chỗ và đã qua đời năm 2013 sau thời gian chống chọi với bệnh tật; Nguyễn Trường Khơ thì kém trí nhớ, mờ hai mắt, điếc nhẹ, gần như mất khả năng lao động.
Nuôi các con lành lặn đã khó, việc chăm sóc những người con bị nhiễm chất độc da cam càng cực khổ gấp bội. “Lúc trước, nhiều người có lời dị nghị không hay khi tôi có đến 3 đứa con không bình thường. Dù như thế nào, nó cũng là con mình, tôi rất thương và nuôi dưỡng mấy chục năm qua. Tôi đang lo, khi tôi qua đời, những đứa con bị bệnh không biết sẽ ra sao” - cô Hồng tâm sự.
Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng cô Hồng nhất quyết không để con thất học. 5 người con khỏe mạnh đều được đến trường. Chị Nguyễn Hồng Gấm là con thứ sáu của cô Hồng cho biết: “Ý thức được hoàn cảnh gia đình và thấy cha mẹ cực khổ nên anh em tôi cố gắng học học tập, làm việc phụ giúp gia đình”.
Đến nay, các con cô Hồng đều lớn khôn, có việc làm ổn định. Anh Nguyễn Trường Khang, Nguyễn Trường Khái, chị Nguyễn Hồng Gấm đều là giáo viên; chị Nguyễn Hồng Hạnh làm việc ở TP.Hồ Chí Minh và anh Nguyễn Trường Khai thì sản xuất nông nghiệp ở quê nhà. Hiện kinh tế gia đình cô Hồng phát triển hơn trước. Cô Hồng xúc động chia sẻ: “Cuộc sống quá khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua được. Nhưng vợ chồng tôi không đầu hàng mà nỗ lực nhiều hơn, rồi mọi gian truân cũng qua. Nhiều lúc nhớ lại, tôi cứ ngỡ như giấc mơ. Một trong những yếu tố giúp tôi đủ sức đương đầu với những khó khăn chính là nhờ tinh thần của người lính đã được trui rèn trong chiến tranh”.
Cô Hồng tự hào kể cho chúng tôi nghe về quá trình tham gia cách mạng của mình. Mới 15 tuổi, cô đã thoát ly gia đình, đi chống giặc ngoại xâm với nhiệm vụ giao liên và trực tiếp cầm súng đánh đồn bót. Năm 1968, địch bắt cô rồi giam cầm qua nhiều nhà tù ở Sa Đéc, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh... suốt hơn 4 năm. Dù bị địch tra tấn nhưng một lòng kiên trung với cách mạng, cô Hồng nhất quyết không khai bí mật của tổ chức. Ra tù, cô Hồng lại cùng với đồng đội chống quân xâm lược cho tới ngày đất nước hòa bình. Cô Võ Kim Hồng vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày.
Là một chiến sĩ cách mạng và là người vợ, người mẹ, cô Hồng không cho phép mình nghỉ ngơi. Cô cố gắng lao động, nuôi dạy các con nên người. Có lẽ không quá lời khi nói rằng cô Võ Kim Hồng đã giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Gần đây, cô Võ Kim Hồng được dự hội nghị “Vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam” năm 2017 do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
NHỰT AN