Tân Hồng khó khăn trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Cập nhật ngày: 11/11/2017 06:47:07

ĐTO - Dù triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em (TE) tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, nhưng trên địa bàn huyện Tân Hồng vẫn xảy ra các trường hợp đuối nước đáng tiếc.


Phổ cập bơi cho trẻ em ở xã Tân Công Chí

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Tân Hồng, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện xảy ra 3 vụ đuối nước ở TE, tăng 2 vụ so với năm 2016.

Những ngày lũ về, trong khi nhiều địa phương đang khẩn trương thực hiện các công tác đảm bảo an toàn cho TE, vẫn còn không ít gia đình chủ quan, để trẻ tắm sông mà không nghĩ đến tình huống đáng tiếc xảy ra với con em mình. Điển hình như vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngày 17/8/2017 tại ấp Bắc Trang 2, xã Tân Công Chí. Gia đình lơ là lúc trông giữ, bé L.T.B.L. (SN 2014) đi xuống sông nghịch nước và không may trượt chân té xuống nước tử vong.

Ông Lê Văn Tần - Phó Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Tân Hồng cho biết: “Dù các ngành, các cấp cùng các địa phương trong huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ TE, đặc biệt là tai nạn đuối nước, nhưng do địa bàn dân cư rộng, chủ yếu các hộ dân sống theo kênh, rạch nên việc bảo vệ TE trong mùa lũ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự lơ là, chủ quan, thiếu quan tâm, giám sát của người lớn trong gia đình đã dẫn đến những vụ đuối nước ở TE”.

Ở vùng nông thôn, để kiếm thêm thu nhập mỗi khi lũ về, người dân phải thường xuyên đi giăng câu, giăng lưới hay bận lo buôn bán mưu sinh,... nên việc bảo vệ an toàn cho con, em mình vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc mở các lớp phổ cập bơi được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để trẻ tự cứu mình khi chẳng may rơi xuống nước. Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Tân Hồng đã tổ chức được 65 lớp phổ cập bơi cho hơn 1.800 TE tham gia học bơi, phòng, chống nguy cơ đuối nước.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Tre ở ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí có đứa con 9 tuổi, anh luôn lo lắng mỗi khi lũ về. Anh Tre cho biết, con anh chưa biết bơi nhưng lại thích theo các bạn tắm sông, còn vợ chồng anh hằng ngày phải đi giăng lưới kiếm sống nên rất sợ khi để con ở nhà một mình. Qua tham gia lớp tập bơi ở xã tổ chức, con anh nay đã biết bơi nên gia đình yên tâm mỗi khi con đi học hay đi chơi với các bạn.

Nói về công tác phổ cập bơi cho TE của địa phương, ông Võ Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Công Chí cho biết: “Để phòng, chống TE đuối nước trong mùa lũ, xã chỉ đạo cán bộ LĐ,TB&XH, công chức văn hóa - xã hội phối hợp với các trường Tiểu học rà soát lại các em trong độ tuổi chưa biết bơi để mở các lớp phổ cập bơi. Nhìn chung, đa số các bậc phụ huynh đều đồng tình với chủ trương của xã. Trên địa bàn xã có 2 ấp Rọc Muống và Thành Lập nằm trong vùng lũ nên xã thường xuyên tuyên truyền phụ huynh tăng cường trông giữ, đảm bảo an toàn cho trẻ”.

Cùng với đó, UBND huyện Tân Hồng cũng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ TE; duy trì thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn”; tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh có biện pháp bảo vệ an toàn cho TE như: làm hàng rào quanh nhà, không lơ là, bất cẩn trong việc trông giữ TE, lưu ý các vật dụng về điện, vật sắc nhọn, thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lửa,... phải để nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ. Đầu năm 2017, huyện vận động người dân ký cam kết thực hiện “Ngôi nhà an toàn”, kết quả có 19.000 hộ tham gia. Đến cuối tháng 10/2017, toàn huyện có khoảng 17.000 hộ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”.

Thời điểm này, dù nước lũ đã bắt đầu rút nhưng trên các tuyến kênh rạch hay trên các cánh đồng của huyện, mực nước vẫn còn cao, nên nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước đối với TE rất lớn nếu trẻ không được trông giữ cẩn thận. Do đó, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương thì bản thân gia đình cần nêu cao ý thức bảo vệ TE trước nguy cơ tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn