Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

Cập nhật ngày: 19/09/2020 06:30:32

ĐTO - UBND tỉnh vừa có chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23 ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em (TE) và bảo vệ TE.


Tăng cường rèn luyện đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em

Trong đó, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ TE; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về TE. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng TE tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền TE, bạo lực, xâm hại tình dục, TE lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền TE.

UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về TE; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của TE trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về TE; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin và can thiệp, hỗ trợ kịp thời TE bị bạo lực, xâm hại; giảm thiểu tình trạng TE tử vong do đuối nước.

Đồng thời tăng cường truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ TE số 111, số điện thoại của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp của tỉnh (0277) 8516171 để mọi TE, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại TE.

Sở Y tế triển khai các giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng TE dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi; kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở TE; xây dựng quy trình tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho TE bị bạo lực, xâm hại tình dục; chỉ đạo cơ quan giám định pháp y ưu tiên giám định TE là nạn nhân của các vụ xâm hại TE.

Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học; triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục TE. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE, phòng, chống xâm hại TE; trách nhiệm phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại TE.

Công an tỉnh thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại TE; chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường rà soát, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại TE trên môi trường mạng, bóc lột TE. Đồng thời tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thiếu niên, học sinh; xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy, hoạt động tội phạm về ma túy.

UBND huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với TE, đặc biệt đối với các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng TE, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho TE, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho TE đảm bảo có môi trường sống an toàn, thân thiện, có điều kiện phát triển thể chất và tinh thần, được học tập, tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh nhằm giảm thiểu các điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại TE, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên...

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn