Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật ngày: 08/03/2020 15:23:24

ĐTO - Công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện; các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.


Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại quầy kinh doanh thức ăn đường phố

UBND tỉnh, các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên môn, xây dựng kế hoạch, triển khai, thực hiện các phần việc liên quan đến ATVSTP từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Đồng thời phối hợp, cử các thành viên tham gia Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh (ATTP) tỉnh, tập trung thực hiện các hướng dẫn Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thực hiện Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020. UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp thực hiện công tác vận động và giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm..., đảm bảo an toàn thức ăn đường phố... Toàn tỉnh đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, Ban điều hành ATVSTP theo quy định đồng thời thực hiện phân cấp trong công tác quản lý. Sở Y tế đã tổ chức các đợt tuyên truyền chuyên đề vệ sinh ATTP với hơn 300 buổi về cách phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm, cách lựa chọn thịt, cá tươi... Chương trình tư vấn tuyên truyền phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo quản thực phẩm trong mùa nắng nóng, sử dụng an toàn nước uống đóng chai...

Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ y tế cấp xã, Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc đã tập huấn tuyên truyền, kiến thức cho chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm tại các bếp ăn trường học, dịch vụ nấu ăn với gần 800 lượt người tham dự. Ngành y tế đã phân phối 13 bộ đo kiểm di động gồm máy xét nghiệm nhanh đối với thịt tươi, hộp kiểm tra nhanh hàn the trong thực phẩm. Công tác kiểm tra được cán bộ y tế duy trì thường xuyên tại các khu vực chợ, lễ hội..., trong năm 2019, ngành y tế đã lấy hơn 600 mẫu nước uống đóng chai, nước đá, nước uống tại trường học, thịt heo, khô, nem gửi xét nghiệm các chỉ tiêu, qua kiểm tra có 46 mẫu không đạt. Bên cạnh đó, tiến hành lấy các mẫu thực phẩm nghi ngờ có chứa hàn the, qua kiểm tra 1.200 mẫu, phát hiện và xử lý 11 mẫu thực phẩm có hàn the...

Công tác quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được kiểm tra, giám sát qua việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua thống kê toàn tỉnh có khoảng 14.700 cơ sở gồm sản xuất, kinh doanh, chế biến và cơ sở dịch vụ ăn uống, gần 4.000 cơ sở đã thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực, hơn 8.000 cơ sở đã ký cam kết đảm bảo ATTP. Cùng với công tác quản lý, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn chịu sự kiểm tra của các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cơ sở. Nội dung kiểm tra gồm các hành vi vi phạm như: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tẩy xóa, sửa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa chưa rõ ràng gây nhầm lẫn cho người mua... Công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý tác động tích cực đến ý thức của chủ cơ sở. Chị Châu Kiều Anh - chủ Cơ sở sản xuất cà phê sạch Phát Lợi ngụ ấp An Phước, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự cho biết: “Sau thời gian được tập huấn, tiếp cận, khuyến khích sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe, tôi quyết định chọn hướng chế biến sản phẩm cà phê sạch với các nguyên liệu gồm 95% cà phê; 5% còn lại gồm: muối, rượu, bơ, đảm bảo không chất độc hại. Đồng thời đầu tư mua 1 máy đóng gói, 1 máy trộn cà phê, 1 máy xay cà phê cung cấp cà phê sạch hơn, không chất bảo quản, an toàn cho sức khỏe người dùng...”.

Thực hiện công tác kiểm soát, kiểm tra, xử lý kinh doanh thực phẩm trên thị trường, năm 2019, các Đội Quản lý thị trường tại các địa phương đã kiểm tra hơn 400 vụ sản xuất, kinh doanh, phát hiện, lập biên bản, xử lý gần 40 vụ, tiến hành phạt tiền, tịch thu tang vật. Ngoài ra, các Đội Quản lý thị trường tham gia, phối hợp kiểm tra gần 1.300 vụ liên quan đến kinh doanh, sản xuất thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động liên quan đến vệ sinh ATTP, tỉnh đã bố trí các nguồn vốn từ ngân sách, đồng thời các huyện, thị xã, thành phố cũng đã hỗ trợ công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn. Ngoài ra còn có nguồn kinh phí thuộc dự án liên quan đến lĩnh vực y tế. Các nguồn kinh phí được giải ngân kịp thời đảm bảo cho công tác triển khai, thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.

Năm 2020, công tác quản lý, triển khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến vệ sinh ATTP được các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện. Tập trung nghiên cứu, thí điểm các mô hình quản lý ATTP; tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh, kiểm tra. Xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát, vận động người dân sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Tổ chức kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm đối với các cơ sở thực phẩm thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực ATVSTP.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn