Thoát nghèo từ mô hình 9+1

Cập nhật ngày: 19/04/2017 09:38:03

Thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội CCB xã Tân Bình, huyện Thanh Bình đã có nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên (HV) có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Trong đó, mô hình 9+1 đã mang lại hiệu quả thiết thực.


Các thành viên mô hình 9+1 đến thăm gia đình hội viên được hỗ trợ

Ông Nguyễn Ngọc Hẩn - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Bình cho biết, năm 2011, Hội có nhiều HV thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo. Để giúp các HV này phát triển kinh tế, Hội CCB xã đã thực hiện mô hình 9+1, nghĩa là nhiều HV có điều kiện sẽ góp vốn giúp đỡ 1 HV khó khăn, thông qua hình thức cho vay không lãi suất để HV sản xuất, chăn nuôi, mua bán,... Với cách làm thiết thực, sau hơn 5 năm, mô hình đã vận động HV khá, giàu góp được gần 200 triệu đồng, giúp cho 21 HV nghèo vay không lãi suất để phát triển kinh tế. Kết quả, đến nay có 20/21 HV đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu, ổn định cuộc sống.

Gia đình CCB Nguyễn Văn Thuận ở ấp Hạ là 1 trong 20 hộ đã vươn lên khá giả nhờ mô hình 9+1. Trao đổi với chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Nguyễn Văn Thuận vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, lại đông con, sống bằng nghề làm thuê, không nghĩ là mình thoát được cảnh nghèo. Nhờ được sự giúp đỡ của Hội CCB xã và các đồng đội mà tôi thoát được cảnh khó khăn, cất được nhà kiên cố, tích lũy được ít vốn hậu thân. Tôi thật sự rất mừng”. Trước kia, cuộc sống của gia đình ông Thuận gặp nhiều khó khăn, bởi không có kinh nghiệm cũng như vốn liếng để làm ăn. Năm 2011, nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ vốn không lãi suất 5 triệu đồng của các HV CCB từ mô hình 9+1, gia đình ông Thuận đã mua 4 con heo về nuôi. Nhờ làm tốt khâu chăm sóc và cần cù, chịu khó cũng như nhận được sự tư vấn hướng dẫn kỹ thuật của ngành thú y nên sau hơn 6 tháng nuôi gia đình bán 2 con để hoàn trả vốn và giữ 2 con nuôi giống sinh sản và tái đàn liên tục. Đến nay, gia đình đã có cuộc sống, cơ ngơi khá ổn định và một đàn heo hơn 10 con.

Từ mô hình hỗ trợ 9+1, nhiều mô hình kinh tế giỏi trên địa bàn xã do CCB làm chủ đã xuất hiện. Các HV được hỗ trợ đã sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng nên những mô hình kinh tế hiệu quả, có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm như: CCB Phạm Văn Lý ở ấp Hạ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ mô hình nuôi bò vỗ béo; anh Trần Thanh Hùng ngụ ấp Tân Phú A với mô hình mua bán nhỏ; anh Nguyễn Văn Thanh ở ấp Tân Phú B với mô hình sửa chữa xe honda...

Một trong những HV gương mẫu đi đầu trong mô hình 9+1 của Hội nhiều năm qua là CCB Huỳnh Thúc Kháng (ấp Hạ). Khi được Hội vận động hỗ trợ vốn không tính lãi giúp anh em khó khăn phát triển kinh tế, ông Kháng đã tiên phong góp vốn để thực hiện mô hình. Ông Kháng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn, cũng nhờ chính quyền địa phương và bà con chung quanh giúp đỡ. Giờ khá rồi, tôi muốn góp chút công sức giúp cho anh em làm ăn được như mình”.

Ngoài giúp vốn sản xuất, chăn nuôi, Hội CCB xã Tân Bình còn chủ động kết hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho cán bộ, HV; tạo điều kiện cho các HV tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền hàng trăm triệu đồng để mở rộng sản xuất, mua bán, chăn nuôi; thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động con em CCB, cựu quân nhân tham gia học nghề và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, nhà tạm bợ trong HV giảm dần theo từng năm. Hiện, Hội không còn HV thuộc diện nghèo.

Với cách làm thiết thực, mô hình 9+1 của Hội CCB xã Tân Bình đã được Hội CCB huyện đánh giá cao và nhân rộng ra các xã, thị trấn trong huyện.

RA ĐA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn