Huyện Hồng Ngự

Tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp

Cập nhật ngày: 24/10/2019 05:52:13

ĐTO - Theo UBND huyện Hồng Ngự, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Long Thuận và một vụ lún sụt tại xã Thường Phước 2.


Sạt lở tại khu vực sông Cái Vừng

Cụ thể, trên khu vực sông Tiền tại tổ 40, ấp Long Thạnh, xã Long Thuận xảy ra một vụ sạt lở có chiều dài khoảng 100m, từ mé sông ăn sâu vào đất liền khoảng 20m với diện tích mất đất khoảng 2.000m2. Vụ sạt lở trên không làm ảnh hưởng đến nhà cửa và tài sản của người dân.

Trên sông Cái Vừng, tại khu vực tổ 6, ấp Long Thới B xảy ra một vụ sạt lở với chiều dài 20m, từ mé sông ăn sâu vào đất liền khoảng 3m, diện tích đất bị mất khoảng 60m2. Vụ sạt lở này khiến một đoạn khoảng 250m đất liền kề có nguy cơ sạt lở cao. Riêng tại khu đê bao 2600ha xã Thường Thới Tiền - xã Thường Phước 2 xảy ra một vụ lún sụt với chiều dài 233m.

Nguyên nhân gây ra sạt lở là do biến đổi khí hậu nên lượng mưa có xu thế gia tăng mạnh về mùa mưa, giảm về mùa khô. Từ đó làm tăng lưu tốc dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về vào mùa lũ gây sạt lở bờ sông và hiện tượng chênh lệch mực nước. Đồng thời, dưới sự tác động của các phương tiện vận tải ngày càng gia tăng cả về mật độ và trọng lượng cũng là một trong số các yếu tố làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Theo lãnh đạo huyện Hồng Ngự, trước tình hình trên, huyện chỉ đạo tổ chức vận động các hộ dân di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn. Để bảo vệ diện tích sản xuất của người dân, huyện đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khu đê bao 2600ha với tổng kinh phí 12.000 triệu đồng. Nhằm tạo điều kiện cho người dân lưu thông được dễ dàng, UBND huyện cho chủ trương đầu tư nắn tuyến 400m đường giao thông nông thôn tại ấp Long Thạnh.

Tuy nhiên, đoạn sạt lở 20m và đoạn 250m có nguy cơ sạt lở cao trên sông Cái Vừng, huyện không có kinh phí để đầu tư xây dựng kè do chi phí quá lớn. Trước thực trạng đó, UBND huyện Hồng Ngự kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện.

Về phía địa phương, sẽ quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông. Đồng thời bố trí, sắp xếp, từng bước di dời các hộ dân ra khỏi kênh, bờ sông, ưu tiên những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng các công trình như kè chống xói lở để bảo vệ dân cư trong khu vực có nguy cơ sạt lở, bảo vệ hạ tầng giao thông.

MỸ NHÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn