PHỤ NỮ ĐỒNG THÁP

Tự tin, tự chủ vươn lên trong cuộc sống

Cập nhật ngày: 08/03/2019 10:59:07

ĐTO - Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2027 (gọi tắt là Đề án 939) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Đề án đã mang lại hiệu quả tích cực, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp, sự tự tin, tự chủ, tự lực vươn lên của nhiều người phụ nữ (PN), đặc biệt là PN nông thôn.


Những phụ nữ tiêu biểu của Đồng Tháp trong phong trào khởi nghiệp

Tạo động lực cho PN nông thôn, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, đổi mới suy nghĩ, bắt nhịp thị trường, Hội LHPN tỉnh kết nối với các chuyên gia hướng dẫn phát triển thương hiệu, quản trị chiến lược, đổi mới tiếp thị và kinh doanh thương mại điện tử thời kỳ 4.0, thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, kỹ năng bán hàng cho các sản phẩm có tiềm năng phát triển xa hơn... Với tinh thần, trách nhiệm, sự nhiệt tình của những người làm công tác Hội, những người PN nghèo, chất phác, chịu thương chịu khó đã được động viên, khuyến khích, vươn lên trong cuộc sống.

Trăn trở với cây chuối, cây khoai môn được trồng tại địa phương dễ rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, bà Mai Thị Mỹ Anh (SN 1965) ngụ tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò ngày ngày đi thu mua chuối và khoai của người dân trong, ngoài xã về làm sản phẩm chuối sấy, khoai sấy Mỹ Anh. Cuộc sống đơn chiếc, lại lớn tuổi, khi khởi nghiệp với nghề chuối sấy, cuộc sống của bà Mỹ Anh đỡ hơn trước, thu nhập mỗi tháng từ 6 triệu – 8 triệu đồng, không còn phải đi làm thuê vất vả. Bà Mỹ Anh chia sẻ: “Nhiều người rủ tôi đi làm xa, nhưng tôi muốn ở lại quê và khởi nghiệp với sản phẩm chuối, khoai môn sấy, bởi nguồn nguyên liệu chuối, khoai rất dồi dào. Ban đầu tôi khá nhút nhát, nhưng giờ thì tự tin rồi, sản phẩm của tôi được bán, tiêu thụ qua các đầu mối tại Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội...”.

Nhiều chị PN vốn dĩ chỉ quanh quẩn trong xóm, sau khi tiếp cận, được khuyến khích, đổi mới suy nghĩ đã tự tin chuyển từ nghĩ sang làm. Với bản tính cần cù chịu khó, bà Trần Thị Gai (SN 1965) ngụ ấp 3, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình đã khởi nghiệp với sản phẩm mắm cá chốt. Bà Gai kể: “Mùa nào tôi chọn việc làm theo mùa đó, mùa nước lên là tôi làm mắm cá. Với bí quyết gia truyền nên con mắm cá của tôi làm rất ngon, mắm sau khi làm xong được cho vào keo, dán nhãn và bán ra thị trường tại các hội chợ của huyện, Hội LHPN huyện, tỉnh tổ chức. Tôi vui với quyết định của mình, vì tôi tạo ra việc làm cho tôi và cho những người PN trong xóm. Mỗi người nếu chịu khó có thể có thêm thu nhập từ 100.000 đồng – 120.000 đồng/ngày...”.

Với những người PN nông thôn, nỗ lực khởi nghiệp là cả một quá trình phấn đấu bởi những rào cản từ phía gia đình, họ hàng, vốn, thời gian và nhiều vấn đề khác. Nhiều chị rất giỏi, nhưng vướng bận gia đình, thiếu vốn, thiếu các mối quan hệ, kiến thức về quảng bá, phân phối sản phẩm do mình làm ra nên đôi lúc nản lòng. Chính những lúc đó, Hội LHPN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đã đồng hành từ công tác truyền thông, tư vấn cho đến hỗ trợ PN khởi nghiệp tham gia các dự án dự thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc. Tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp trong các hoạt động, sự kiện, lễ hội lớn.

Trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 119 sản phẩm khởi nghiệp, trong năm 2018, sản phẩm khởi nghiệp được hỗ trợ mới là 168 sản phẩm, đạt và vượt 373% chỉ tiêu sản phẩm tham gia khởi nghiệp, nâng tổng số sản phẩm khởi nghiệp của PN trong toàn tỉnh gần 300 sản phẩm. Để tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho các chị PN nông thôn đưa sản phẩm từ quê ra phố, các cấp Hội đã thẩm định các sản phẩm, nắm nhu cầu, tiếp cận, hướng dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền hoàn chỉnh thủ tục giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức, giấy công bố an toàn thực phẩm. Có 98 sản phẩm được tiếp cận vốn, hỗ trợ với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, PN khởi nghiệp tại các xã Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Bình Phú (Tân Hồng), Bình Thạnh (TX.Hồng Ngự) đã được giúp đỡ kịp thời. Bà Nguyễn Thanh Hoa – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Đề án 939 cùng các đề án, chương trình khác đã được sự ủng hộ, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm, thi đua được giao. Phát huy tính hiệu quả, tính liên hiệp, thu hút hội viên, tinh thần tự lực, khả năng sáng tạo của PN, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn