Từng bước thực hiện xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Cập nhật ngày: 28/11/2017 06:38:06
ĐTO - Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (TS&SS) cho phụ nữ góp phần giảm các dị tật ở trẻ, nâng cao chất lượng dân số. Năm 2011, tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc TS&SS, đến nay đề án đạt được một số kết quả nhất định.
Cán bộ Trạm y tế xã tư vấn, khám sức khỏe cho chị em phụ nữ
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng tuyên truyền, kiến thức về sàng lọc TS&SS cho đội ngũ nhân viên y tế khóm, ấp, cộng tác viên dân số, cán bộ dân số xã, phường, thị trấn để họ cập nhật kiến thức mới và tuyên truyền cho người dân. Cùng với đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã ký liên tịch với các ban, ngành, đoàn thể triển khai tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, hội đoàn thể, người dân về mục tiêu, chiến lược nâng cao chất lượng dân số, trong đó lồng ghép tuyên truyền đề án sàng lọc TS&SS...
Tính riêng 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh khám sàng lọc sơ sinh cho 3.918 trẻ, trong đó sàng lọc sơ sinh miễn phí là 701 trẻ, qua đó phát hiện 23 trẻ có nguy cơ thiếu men G6PD và 3 trẻ suy giáp bẩm sinh... Việc sàng lọc TS&SS là việc làm rất cần thiết, nhằm giúp các bà mẹ phát hiện sớm các bệnh tật bất thường ở trẻ, can thiệp và điều trị sớm. Tuy nhiên, chương trình sàng lọc miễn phí hiện nay chỉ áp dụng cho những hộ gia đình nghèo, cận nghèo và chỉ tiêu thực hiện hàng năm của tỉnh chỉ khoảng 2.100 trẻ. Ngoài đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được sàng lọc miễn phí, để các đối tượng khác chủ động, quan tâm hơn đến công tác sàng lọc TS&SS, các địa phương trong tỉnh chú trọng tăng cường truyền thông về xã hội hóa sàng lọc TS&SS.
Huyện Lai Vung là một trong những đơn vị tích cực thực hiện công tác xã hội hóa sàng lọc TS&SS. Để làm được điều này, huyện đã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về lợi ích việc sàng lọc TS&SS. Hàng tháng, Trung tâm Y tế - Dân số (TTYT-DS) huyện tổ chức các buổi truyền thông về công tác DS-KHHGĐ, trong đó lồng ghép tuyên truyền về hiệu quả của sàng lọc TS&SS. Ngoài ra, các xã, thị trấn duy trì các nhóm truyền thông, tuyên truyền vận động người dân thực hiện sàng lọc TS&SS.
Ông Mã Thanh Tùng - nhân viên y tế ấp Tân Lộc, xã Tân Thành cho biết: “Đối với những phụ nữ đang mang thai trong ấp, hàng tháng, tôi đều đến nhà vận động họ đến các bệnh viện, cơ sở y tế để khám sàng lọc. Giải thích cho các bà mẹ hiểu vì sao phải đi sàng lọc. Nhờ tuyên truyền thường xuyên, nhiều người đã chủ động đi khám sàng lọc”. Tính đến hết tháng 9/2017, huyện đã tổ chức sàng lọc được 420 ca sơ sinh, 415 ca trước sinh, trong đó xã hội hóa là 179 ca sàng lọc trước sinh và 388 ca sàng lọc sơ sinh. Chị Lê Thị Dương ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành chia sẻ: “Từ khi được tư vấn, tôi đã hiểu và chủ động đi khám sàng lọc TS&SS vì tôi mong muốn con ra đời được khỏe mạnh, không bị bệnh tật về sau”.
Để người dân hiểu được lợi ích của việc khám, sàng lọc TS&SS, huyện Tân Hồng đã tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về chủ động sàng lọc TS&SS theo hình thức xã hội hóa. Ông Trần Văn Huấn - Giám đốc Trung tâm Y tế - Dân số huyện cho biết: “Sàng lọc TS&SS phòng các bệnh thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh... TTYT-DS huyện thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích của việc sàng lọc để họ thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số”. Chị Nguyễn Thị Huệ ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú là một trong những phụ nữ có con được lấy máu gót chân xét nghiệm, kịp thời phát hiện bệnh và điều trị sớm. Chị Huệ nói: “Nhờ khám sàng lọc, nên con của tôi được phát hiện bệnh và sớm điều trị. Hiện nay, bé khỏe, tôi rất vui”.
Với những lợi ích, ý nghĩa của việc sàng lọc TS&SS, các gia đình, đặc biệt là những phụ nữ có ý định mang thai, sinh con hãy quan tâm hơn, chủ động đi khám sàng lọc ngay từ khi mang thai để cho ra đời những em bé khỏe mạnh, thực hiện đúng trách nhiệm người làm cha mẹ bảo vệ, chăm sóc tốt cho con.
MỸ XUYÊN