Xã An Bình B “khoác áo mới”

Cập nhật ngày: 05/01/2019 16:16:36

ĐTO - An Bình B là xã thuần nông của TX.Hồng Ngự, Cấp ủy, chính quyền và nhân dân rất đồng thuận, nỗ lực xây dựng hoàn thiện 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Theo UBND xã An Bình B, chủ trương xây dựng NTM là chủ trương lớn mang tính chiến lược trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân, nên tạo được sự đồng thuận cao. “Muốn quê hương mình thật sự thay đổi, giàu đẹp hơn, người dân phải cùng với chính quyền địa phương chung tay xây dựng NTM, bởi người thụ hưởng chính là chúng tôi” - ông Huỳnh Văn Phấn ngụ ấp 2, xã An Bình B chia sẻ.


Người dân cùng hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Bình B trồng hoa ven đường

Điều thuận lợi lớn của xã An Bình B trong xây dựng NTM là có sự tham gia tích cực của người dân, đó chính là “bệ phóng” giúp xã diện NTM “cán đích” sớm. Từ khi triển khai, thực hiện đến tháng 9/2018, tổng kinh phí xây dựng NTM trên 73 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 20 tỷ đồng để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cách làm của xã An Bình B là công tác triển khai được tiến hành chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc vận động người dân tổ chức thực hiện các tiêu chí. Đặc biệt, xã không thụ động trông chờ, ỷ lại mà xác định tiêu chí nào thuận lợi sẽ triển khai, thực hiện trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực trong dân.

“Quá trình triển khai, thực hiện xác định nội dung quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ của người dân và cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng NTM. Từ đó, các tiêu chí thực hiện tốt, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà Nguyễn Phúc Nhi - Phó Bí thư Thường trực xã An Bình B chia sẻ.

Đường sá từ trung tâm xã đến các ấp được trải nhựa hoặc bê tông, đảm bảo xe ô tô đi lại thuận lợi, người dân tự nguyện trồng hoa hai bên lề đường làm cho bộ mặt NTM càng thêm phần khởi sắc. Bà Nguyễn Phúc Nhi cho biết thêm, từ các mô hình thiết thực, hiệu quả ở địa phương đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,79%, thu nhập bình quân trên 41 triệu đồng/người/năm.

Trong tiến trình thực hiện, địa phương tổ chức rà soát, điều tra phân loại đối tượng nhà ở thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn để có chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời các đoàn thể xã hội tuyên tuyền, vận động người dân chỉnh trang nhà cửa, nhằm xóa bỏ nhà tạm bợ, nâng tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn.

Ngoài ra, xã huy động công ty, doanh nghiệp và các nguồn lực khác xây dựng và sửa nhà cho người dân, tập trung xóa nhà ở tạm bợ, dột nát. Theo UBND xã An Bình B, đến nay, trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm bợ, dột nát, 70% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

Điều đáng phấn khởi hơn là cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, thông qua mô hình cán bộ, đảng viên chung tay giảm nghèo do Đảng ủy xã An Bình B phát động, đã trao “cần câu” cho nhiều người phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như bà Đoàn Thị Út ngụ ấp 1 được hỗ trợ số vốn 3 triệu đồng để chăn nuôi và nhận đan gia công ghế nhựa. “Năm 2016, gia đình tôi được công nhận thoát nghèo, mừng lắm! Lúc trước, muốn nuôi heo mà không có vốn liếng, được xã xét hỗ trợ vốn 3 triệu đồng, tôi mua heo về nuôi và làm thêm nghề đan ghế nhựa kiếm thu nhập và có điều kiện chăm lo cho con ăn học” - bà Đoàn Thị Út phấn khởi cho biết.

Giờ đây, xã An Bình B đã thật sự “khoác áo mới”.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn