Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp với sự trở lại của chủng virus EV 71 nguy hiểm

Cập nhật ngày: 06/10/2018 04:12:25

ĐTO - Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) Đồng Tháp cho biết, hiện nay bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến rất phức tạp, tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.000 ca mắc TCM, trong đó trẻ dưới 3 tuổi chiếm hơn 82% và đã có 1 bé 20 tháng tuổi tử vong.


Cảnh báo bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em dưới 3 tuổi, phụ huynh cần chủ động đề phòng

Bệnh nhi là Nguyễn Thị D.M. sinh ngày 30/11/2016, ngụ ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự), khởi phát bệnh vào ngày 20/8/2018, gia đình đưa bé điều trị ở phòng khám tư nhân, đến ngày 23/8 bệnh không giảm, gia đình mới đưa đến Trạm Y tế xã Thường Thới Hậu A khám, với tình trạng sốt cao 390C, bé được cho uống thuốc hạ sốt và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự. Tại đây, bé được chẩn đoán TCM độ 2B, bệnh chuyển biến nặng, 10 giờ ngày 24/8, bé được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (BVĐKĐT) vào khoa hồi sức nhi sơ sinh, chẩn đoán mắc TCM độ 4/N4, đến 1 giờ sáng ngày 25/8, bệnh nhi không qua khỏi.

Theo số liệu giám sát của Trung tâm KSBT Đồng Tháp, từ ngày 23/9, số ca bệnh TCM nhập viện tăng gần 50% so với trung bình 4 tuần trước. Cụ thể từ tuần 34 (tính từ cuối tháng 8) chỉ xảy ra 113 ca TCM, đa số là trẻ em dưới 3 tuổi, đến tuần 38 (ngày 23/9) xảy ra hơn 240 ca TCM, trong đó có 188 ca ở trẻ em. Tổng số ca TCM nhập viện điều trị nội trú tính đến hết tuần 38 (từ ngày 17 - 23/9) là 2.059 ca, trong đó có 47 ca nặng (độ 2B) cần theo dõi sát. Các địa phương có số ca mắc TCM cao hiện nay là: TP.Cao Lãnh (556 ca), huyện Cao Lãnh (492 ca), Thanh Bình (177 ca), Lấp Vò (149 ca). Tuy nhiên, theo Trung tâm KSBT tỉnh, số liệu này vẫn chưa đầy đủ, do bệnh nhi điều trị ngoại trú rất nhiều, khoảng 60%.

Bác sĩ Dương Ân Hận – Phó Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Bệnh TCM đang vào mùa và có dấu hiệu diễn biến phức tạp, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 6 ca tử vong do TCM, trong đó tỉnh Đồng Tháp có 1 trẻ em bị tử vong do TCM. Trong khi đó, năm 2017, cả nước chỉ có 1 trường hợp tử vong do TCM, cho thấy bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết và TCM nên các trường học và mỗi gia đình cần chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho trẻ”.

Tại BVĐKĐT, trong tháng 9, số ca nhập viện do TCM tăng nhanh. Hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 47 em bị nhiễm TCM. Theo thống kê, từ ngày 24/9 - 3/10 có 14 trẻ em mắc TCM độ 2B (độ nặng) nhập viện.

Ngày 3/10, Khoa hồi sức nhi sơ sinh, BVĐKĐT lại tiếp nhận thêm 1 bệnh nhi, sinh ngày 31/5/2017 ở ấp 1, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, với chẩn đoán mắc TCM độ 2B, có biến chứng thần kinh; trước đó ngày 1/10, bé trai N.D.L., 3 tuổi, ở ấp 4, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh cũng nhập viện do TCM, bé được chẩn đoán mắc TCM độ 2B. Hiện tại, hai bệnh nhi đang được chăm sóc đặc biệt tại Khoa hồi sức nhi sơ sinh.

Bác sĩ chuyên khoa II, Huỳnh Hồng Phúc - Trưởng khoa Hồi sức nhi sơ sinh, BVĐKĐT cho biết, qua theo dõi điều trị, giám sát các ca bệnh TCM diễn tiến nặng trong năm nay, nhận thấy tác nhân gây bệnh là do sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 (EV 71) - chủng virus gây ra vụ dịch TCM lớn trên cả nước năm 2011. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Phúc lưu ý: “Bệnh TCM được cảnh báo nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, năm nay, do số ca mắc tăng, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều, chới với hoặc trẻ bị giật mình nhiều lần trong lúc thiu thiu ngủ, da nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để thăm khám”.

Cũng theo bác sĩ Phúc, bệnh TCM có thể điều trị ngoại trú được nếu ở mức độ nhẹ. Khi bị virus TCM, thông thường tổn thương trong miệng là chủ yếu. Vì vậy phụ huynh nên cho trẻ súc miệng, uống nhiều nước. Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, không quá nóng và cũng không quá lạnh.

Để tránh lây nhiễm bệnh từ cộng đồng, Trung tâm KSBT tỉnh đề nghị các Trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lây lan rộng. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM tại trường học, đặc biệt là các trường mầm non.

Các cơ sở điều trị cần tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, quan tâm các bệnh nhân nặng nhằm hạn chế thấp nhất tường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và các cơ sở điều trị.

Bác sĩ Dương Ân Hận – Phó Giám đốc Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là rửa tay thường xuyên cho trẻ. Người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ. Mỗi gia đình nên thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống hay đồ chơi chưa được khử trùng. Trường hợp trẻ bị bệnh TCM phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác”.

Cũng theo bác sĩ Dương Ân Hận, thông thường, bệnh TCM có 2 mùa dịch, đợt 1 là vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12. Đặc biệt, thời điểm này đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết và TCM, trong khi cả 2 loại dịch bệnh này hiện nay chưa có vắc-xin dự phòng. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, ngoài các hoạt động của các đơn vị y tế, người dân cũng cần có ý thức phòng bệnh cho bản thân và gia đình, tránh để dịch bệnh lây lan.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn