Cơ sở của hợp tác - sự chân thành và tin cậy

Cập nhật ngày: 24/03/2024 10:52:33

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240324105450dt2-8.mp3

 

ĐTO - Hợp tác là 1 trong 3 nội dung trong Chuyên đề năm 2024 của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp”. Bài viết này làm rõ thêm về cơ sở của sự hợp tác - sự chân thành và tin cậy. Niềm tin là hạt nhân của sự hợp tác. Thiếu hay mất niềm tin thì dù có bao nhiêu lời hứa, hợp đồng với “giấy trắng mực đen” đều vô nghĩa.


Cán bộ, đảng viên tham dự Hội nghị học tập Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp” tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã Bình Thành, huyện thanh Bình Ảnh: Mỹ Xuyên

Hiểu nôm na, hợp tác là chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc hay một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung. Tinh thần hợp tác xuất phát từ sự tự nguyện, bình đẳng và vì lợi ích nào đó. Để có thể hợp tác tốt, người ta phải chân thành và tin cậy lẫn nhau. Chân thành hay thành tâm, thành ý là thành thật, thật thà. Còn tin cậy là đáng tin, có thể dựa hẳn vào, trông cậy vào. Dù muốn hay không, để tồn tại và phát triển trong xã hội, con người phải hợp tác.

Ở một góc nhìn, thành ngữ Việt Nam đã nói đến một xu hướng: “Buôn có bạn, bán có phường” phần nào nêu bật được tính tất yếu của hợp tác. Dẫu trong nhận thức có nông hay sâu, hầu như ai ai cũng có thể hiểu tầm quan trọng của sự hợp tác. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Diễn đạt theo ngôn ngữ dân gian, cơ sở của sự hợp tác còn đòi hỏi phải có “kèo thơm”. Trong xây dựng, kèo là vật liệu để nối các cây cột với nhau, cùng với các bộ phận khác để nâng đỡ ngôi nhà, giúp nó trở nên vững chãi, trường tồn theo năm tháng. Ngôi nhà không thể thiếu những trụ cột. Nhưng những trụ cột ấy phải biết kết nối, thắt chặt nhau chủ yếu là nhờ cây kèo. Ngạn ngữ của người Arabia thì cho rằng: “If you want to walk fast, walk alone; If you want to walk far, walk together” (tạm dịch: Nếu bạn muốn đi nhanh, đi một mình; nếu bạn muốn đi xa, đi cùng nhau). Như vậy, hợp tác có tính lịch sử lâu đời và là thuộc tính của loài người (ở các dân tộc khác nhau) và bởi vì lợi ích của nó, con người mới hợp tác. Trong giai đoạn phát triển mới của thế giới, cả khách quan và chủ quan, con người buộc phải liên kết, gắn kết với nhau hơn bao giờ hết.


Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) (Ảnh: Mỹ Lý)

Nhưng, cơ sở khách quan của hợp tác bền vững là lợi ích và “linh hồn” của nó chính là sự chân thành và tin cậy. Người ta chân thành cả trong lời nói lẫn việc làm và nhờ đó, họ tin cậy lẫn nhau. Cũng như nhiều nước, nền giáo dục Việt Nam dạy các thế hệ tôn trọng lời hứa và chữ tín. Họ ghi nhớ những câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy’ (Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi không kịp), “Lời nói chắc như đinh đóng cột”. Đã “hứa”, “giao kèo” thì phải thực hiện dù cho bị thiệt, bị tổn thất, bị lỗ. Do đặc điểm tự nhiên và xã hội, Người Việt Nam ở Đồng Tháp sống hòa đồng, liên kết và chân chất, “thật thà như đếm”. Để tồn tại và phát triển trong môi trường “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, họ phải liên kết một cách chân thành. Trong quan niệm một số ít người, sự chân chất, mộc mạc được xem là yếu điểm, thiệt thòi. Nhưng thực chất, “hiền như cục đất” ấy chính là vốn quý của loài người và là nền tảng trong hợp tác. Nó là biểu hiện sự thánh thiện của chân thành. Trong xã hội hiện đại và cả xã hội tương lai, chân thành và sự tin cậy sẽ là chỉ dấu hàng đầu trong các quan hệ giữa người và người dù ở bất kỳ cộng đồng hay quốc gia nào. Nhờ lợi thế ấy mà người Việt Nam ở Đồng Tháp có sự kết nối, hợp tác khá tự nhiên trong mọi hoạt động của mình. Theo các số liệu được công bố ở các trang tin tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh có 1.120 Tổ hợp tác với 51.000 tổ viên, 146 Hội quán với 7.613 thành viên, 223 Hợp tác xã với 56.000 thành viên và 12.439 Tổ nhân dân tự quản với 436.766 hộ thành viên. Các tổ chức hợp tác này đã có sự hợp tác bên trong và liên kết bên ngoài thực hiện được các nhiệm vụ trên các lĩnh vực và đã đóng góp nhiều thành quả trong sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Điểm nổi bật là việc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và mỗi người chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ khi thực hiện cuộc Vận động mà nhất là vài năm gần đây, số xã đạt chuẩn nông thôn mới gia tăng nhanh với 115 xã, trong đó 34 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Cũng cần phải ghi nhận thêm rằng, chính quyền đã phát huy được vai trò dẫn dắt, nối kết. Với sự năng động, sáng tạo, gần gũi, thân thiện với người dân, chính quyền đã làm “cầu nối”, “gác kèo” để kết nối các trụ cột với nhau: Doanh nhân với lãnh đạo; nông dân với nhà tiêu thụ... thu hút đầu tư, hợp tác cùng nâng mái nhà chung Đất Sen hồng trở nên giàu đẹp, vững bền. Tuy nhiên, có thể bởi điều kiện tự nhiên chia cắt, cách thức lao động thủ công do tự một mình làm và những tập quán “đèn nhà ai nấy rạng”, ở nơi này chỗ nọ, cá biệt hay một ít người hành xử kiểu tách mình, cô lập. Trong một số trường hợp, họ gian dối, “treo đầu dê, bán thịt chó” để được cho mình; “nuốt lời hứa”, hủy hợp đồng vì được lợi trước mắt trong từng giao dịch. Những năm qua, các thương thuyết giữa doanh nhiệp (thương lái) và nông dân xuất hiện khá nhiều tình trạng bẻ kèo, gãy kèo hay giao (kèm) sản phẩm chất lượng kém so với thỏa ước. Không ít trường hợp, việc quảng cáo rao bán tài sản với mức giá tốt khó tin để thu hút những người mua và một khi khách hàng đã “mắc câu”, tài sản được đề cập lại không thể mua được; một số nhà hàng và siêu thị đã bị phát hiện trộn loại cá có giá rẻ hơn vào mặt hàng cá chất lượng giá cao; vài khách sạn cung cấp mức giá thấp để thu hút khách hàng, nhưng lại gia tăng các khoản thu khác với danh nghĩa “phát sinh”... Cơ sở nhận thức của họ là vị kỷ, “lợi mình hại người”, “ai chết mặc ai”. Dù chỉ là “những con sâu” nhưng nó sẽ phá hủy hình ảnh của cộng đồng, truyền thống dân tộc “Lá lành đùm lá rách” và cản trở xu hướng phát triển của loài người trong thời đại mới - hợp tác toàn cầu.


Giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương (Ảnh: Mỹ Nhân)

Khái quát ý nghĩa ở tầm cao về mặt xã hội của sự hợp tác, Các Mác cho rằng: “Chỉ có trong cộng đồng, cá nhân mới có những phương tiện để có thể phát triển toàn diện năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể có tự do cá nhân”. Hợp tác có tính tất yếu và đem lại lợi ích cho con người. Ngoại trừ một vài hoạt động riêng lẻ vì mục đích cụ thể, sự hợp tác tạo nên sức mạnh và phát triển bền vững. Nền tảng mà nó cần được gây dựng, bồi dưỡng, vun đắp thường xuyên bởi hạt giống chân thành và sự tin cậy. Đó chính là cách thức đưa mỗi cộng đồng và cả dân tộc Việt Nam đến mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn