Họ nói về Việt Nam “khách quan” ư!
Cập nhật ngày: 05/04/2024 05:37:35
ĐTO - Trong thời gian qua, một số trang mạng xã hội đặt tại nước ngoài đưa tin, bình luận về rất nhiều sự kiện xảy ra ở Việt Nam. Công tâm mà nói, không ít trường hợp là có thật và đúng. Vài trang mạng mang danh nghĩa “góc nhìn” để được sự chấp nhận của người nghe vì có các quan điểm khác nhau là chuyện bình thường. Hầu như các trang mạng đều tự nhận mình là người đưa tin khách quan. Trang “Đọc Báo Vẹm” là một trong số ấy - tự cho mình khách quan bởi chỉ đọc tin từ báo chí của Việt Nam. Đúng là trang này lấy tin từ báo chí trong nước, nhưng cách thức thu nhận tin và bình luận thì “khách quan” có chủ ý cần được xem xét.
Khách quan được hiểu là không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, quan điểm, lợi ích cá nhân hay bất kỳ yếu tố nào khác ngoài các dữ liệu và tôn trọng sự thật. Khách quan còn có nghĩa là không thiên vị, phải dựa trên các chứng cứ và dữ liệu. Như vậy, sự “không thiên vị” là tiêu chí hàng đầu của tính khách quan. Nhưng, Web này (Đọc Báo Vẹm) khách quan trong thiên vị. Họ đọc tin tức từ báo chí Việt Nam trên nhiều lĩnh vực với các tình tiết của câu chuyện từ đại án, giết người đến ngoại tình, trộm cắp. Một số người nghe đã phản đối họ về sự bôi đen, vấy bẩn đất nước thì họ cố giải thích rằng mình rất khách quan (tôi có nói sai đâu, tôi có tự viết đâu, tôi có bịa chuyện đâu...) và nhân danh tinh thần “phản biện”. Từ đây, họ bình luận thành “bình loạn”. Tất cả mọi chuyện xấu xa, tiêu cực ấy, họ quy vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với những lời giễu cợt cay độc như: Sáng suốt của Đảng, Đỉnh cao trí tuệ, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”...
Đúng là họ không bịa chuyện. Nhưng, nền tảng thu thập tin của họ chỉ một mặt “tối” nhỏ của câu chuyện quốc gia. Có thể nói, những chuyện xấu xa, tiêu cực còn đầy rẫy đây đó. Bản thân các câu chuyện ấy làm chúng ta bực tức. Nhưng, xã hội sao lại chỉ toàn “đen, bẩn, buồn” thế! Quá trình lịch sử của thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng là những bước thăng và trầm, những chiến công vĩ đại và thất bại đan xen. Ngày nay, tiến trình xây dựng đất nước đã và đang tạo nên những công trình nguy nga tráng lệ với các con đường cao tốc, cầu vĩnh cửu vượt sông (ước mơ nhiều đời của những con người ở vùng đất ấy), nhà cao chọc trời, cánh đồng lúa bạt ngàn, khu giải trí hoành tráng... Dĩ nhiên, còn có khu nhà “ổ chuột”, bệnh viện thiếu dụng cụ, trường “không ra trường”, đường xá “nắng bụi mưa bùn”... Báo chí khách quan phải nêu bật được bức tranh xã hội với các “gam màu sáng tối” ấy.
Đảng được giao trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội, do “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” như khoản 2 Điều 4 Hiến pháp đã xác định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng lưu ý rằng: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với Nhân dân...”, “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Trong cơ chế của Hệ thống chính trị Việt Nam thì Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ. Đảng nói chung, từng đảng viên nói riêng “vui với vui của dân, buồn với nỗi buồn của dân”. Từ các văn kiện Đại hội Đảng đến các quyết sách cụ thể đều đã chứng minh quan điểm xuyên suốt: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...” như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII một lần nữa khẳng định. Bằng các quyết sách của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác gềnh, giữ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm ổn định chính trị, nền kinh tế phát triển theo hướng hiện đại hóa, xã hội và môi trường văn minh, quan hệ quốc tế rộng mở với đối tác chiến lược toàn diện những nước có tiềm lực lớn. Và chẳng phải dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt, giáo dục của Đảng mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và quần chúng trở thành những “chiến sĩ” trên tất cả các mặt trận đó sao! Kể hết được sao về những người dũng cảm dám ra các quyết sách vì dân vì nước, người bảo vệ bầu trời và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, người “thức cho dân ngủ”, những “người mẹ hiền”, những “từ mẫu”, những người cống hiến âm thầm cho công trình khoa học, người cần mẫn trong văn phòng, người làm việc vất vả ở công trường, người nhẫn nại quét rác làm sạch nơi công cộng... Tất nhiên, có những “con sâu”, thậm chí là “bầy sâu” nữa. Cả xã hội đang “gồng mình” để loại bỏ thói hư, tật xấu đang từng bước ươm mầm cho một vườn hoa xanh tươi. Là tiếng nói khách quan, báo chí phải nêu đủ các mặt được mất ấy.
Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Dù ít nhiều, mỗi người đều hiểu rằng, để nói được khách quan phải có cách nhìn toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển của sự vật, hiện tượng. Với định kiến và thiên kiến của mình, họ tập hợp và thu thập các tin tức “toàn xấu” từ trong nước rất đúng, rất thật để nói một cách “khách quan” bản thân nó là sự phản ánh sai lệch. Cách làm một chiều mà bảo “phản biện” và “khách quan” ư!.
DÂN BIỆN