Tranh luận với “nếu” - đúng và sai

Cập nhật ngày: 27/08/2024 10:50:14

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240827105042dt2-1.mp3

 

ĐTO - Trong bàn luận, thảo luận và cãi vã, nhiều người thường sử dụng từ “nếu”. Đây là từ thông dụng trong nói và viết ở rất nhiều lĩnh vực. Nhưng cũng chính vì sự thông dụng của nó, không ít người sử dụng không đúng, nhất là khi tranh luận về thời sự chính trị - xã hội. Do vậy, tìm hiểu thêm về “nếu” và cách dùng từ này thế nào để không rơi vào trạng thái vô bổ.

Từ “nếu” là chỉ cái khả năng, cái có thể. Trong tiếng Anh, “nếu” (If) là loại câu điều kiện (nếu... thì...) để diễn đạt về: (1) sự việc thực sự xảy ra trong hiện tại và tương lai, (2) không thể xảy ra trong hiện tại, (3) đã không xảy ra trong quá khứ. “Nếu” của tiếng Việt đề cập về giả sử, giả thuyết để hình dung việc ấy sẽ ra sao; có thể xảy ra ở mức độ ít hoặc nhiều trong hiện tại và tương lai; chỉ việc không thể có trong hiện tại và tương lai và việc “dựng” chuyện không có trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Như vậy, “nếu” có thể được sử dụng để trao đổi thông tin lẫn nhau và được chấp nhận, chứa đựng tính khoa học khi đúng cách. Nhưng, dùng “nếu” sẽ không có ý nghĩa, thậm chí phản khoa học trong những trường hợp sau đây:

“Nếu” của sự kiện trong quá khứ và lịch sử

Trong các cuộc tranh cãi, dù vô tình hay cố ý, người tham gia đã và sẽ phạm phải sai lầm về nguyên tắc khi dùng từ “nếu” để bàn về việc, sự kiện trong quá khứ. Sự kiện lịch sử là lịch sử và hoàn toàn không có “nếu”. Tất cả các dạng tranh luận thuộc trường hợp này đều vô nghĩa với từ “nếu”. Không ít Clip hay bài biết của những người lên án Cộng sản Việt Nam thường dùng “nếu” để nói về chuyện đã qua. Họ cho rằng “nếu” không có Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thì không có Đảng Cộng sản Việt Nam và theo đó không có một chuỗi sự kiện về sau. Tương tự như vậy, cả người ghét và thân Cộng sản đều nhận định “nếu” không có cuộc cải tạo công - thương, cải tạo nông nghiệp vào đầu thập niên 1980 thì không có khủng hoảng kinh tế - xã hội, không có dòng người di cư. Ngay những người ủng hộ Cộng sản nêu ý kiến có vẻ xác đáng rằng “nếu” không có công cuộc “Đổi mới” thì không có thành tựu kinh tế - xã hội như ngày nay.

Khi nghe hoặc đọc, người nghe hoặc độc giả có thể cho rằng loại ý kiến trên dường như là đúng. Nhưng, dùng “nếu” để nói về các sự kiện lịch sử là sai. Người ta có thể nêu hàng chục, trăm, thậm chí hàng triệu “nếu” với nhiều dạng khác nhau. Sự kiện là sự kiện và không thể khác được. Nhân vật lịch sử Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người sáng lập và trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, người đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là Chủ tịch Nước đầu tiên. Người đã cùng với tập thể những người Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tiến hành công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của mình. Cũng không thể thay đổi được rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện cuộc cải tạo công - thương, cải tạo nông nghiệp với những thành công và thất bại. Và do các yếu tố bất ổn từ bên trong và bên ngoài, kinh tế - xã hội đã ở bên bờ vực của sự sụp đổ nên tiến hành “phá rào”, “vượt rào”, để tự cứu lấy mình “trước khi trời cứu” và đã thành công. Và, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tất cả đều là sự thật của lịch sử.

“Nếu” đối với hiện thực

Như đã bàn ở trên, chúng ta thấy sự vô nghĩa của “nếu” khi sử dụng từ này trong lịch sử, thì cũng không khoa học khi dùng nó đối với hiện thực ngay trong hiện tại. Đây là sự vi phạm nguyên tắc về “nếu” nói chung chứ không thuộc “phe này, nhóm kia”. Trong nhiều cuộc bàn thảo, thậm chí tranh cãi “nảy lửa” giữa những người “cùng hệ” về cuộc chiến Russia (Nga) - Ukraina (U-crai-na) đang diễn ra, chúng ta nghe nhiều về “nếu”. “Nếu” Nga đánh vào Kiev thì Ukraina đã bị xóa sổ. Sự kiện hiện thực cho thấy, đây chỉ là chiến dịch đặc biệt như Tổng thống Putin tuyên bố và một thực tế là cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm với biết bao thương vong và tàn phá không chỉ cho 2 quốc gia ấy. Cũng có người nói “nếu” không có sự viện trợ của Mỹ, NATO và EU thì Ukraina đã thua cuộc rồi. Nhưng, hiện thực là có Mỹ, NATO và EU. Và, Ukraina không thể không tìm đồng minh. Ngược lại, Russia buộc phải liên kết với Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên... khi bị Mỹ, EU cấm vận. Đây là quy luật của cuộc sống nói chung, của cuộc chiến này nói riêng. Như vậy, “nếu” ở đây đã sai trong cách đặt vấn đề. Ngoài 2 điểm chính đã nêu, “nếu” mà tính hiện thực có xác suất thấp thì chỉ nói với nhau cho vui. Nó tuyệt nhiên không thể tranh luận khoa học.

“Nếu” mà giả sử (chiến tranh, dịch bệnh...), chúng ta suy nghĩ về cách ứng phó. “Nếu” mà xác thực (mưa, nắng...), chúng ta nên hay không nên hành động. “Nếu” mà bàn về quá khứ và không là sự kiện hiện thực, chúng ta tốn công vô ích. Khi “Thời gian là vàng bạc”, liệu chúng ta có dành “vàng bạc” vào chỗ không mang lợi, thậm chí là tai họa khi người tranh luận, cãi vã mất khả năng kiềm chế.

Dân Biện

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn