Cần xem lại sự phù hợp của Hệ thống quản lý chất lượng

Cập nhật ngày: 30/09/2020 13:51:43

ĐTO - Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001 (Hệ thống quản lý chất lượng) được triển khai thực hiện từ năm 2006 theo Quyết định số 144 ngày 20/6/2006, Quyết định số 118 ngày 30/9/2009 và hiện nay là Quyết định số 19 ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng từ năm 2006 đến nay đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều nội dung của Hệ thống quản lý chất lượng đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, có tính chi tiết hóa cao hơn về nội dung.

Về quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hiện nay thực hiện theo Nghị định số 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Thông tư số 01 ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61 của Chính phủ. 2 văn bản quy phạm pháp luật này đã quy định cụ thể về quy trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả TTHC cho cá nhân, tổ chức; quy định về đánh giá, khảo sát sự hài lòng đối với việc giải quyết TTHC; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, đặc biệt là xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC.

Quy trình nội bộ giải quyết TTHC được cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (các sở, ngành) rà soát, soạn thảo trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và áp dụng tại các cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết TTHC của địa phương theo Thông tư số 01 ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ. Với nội dung chi tiết, cụ thể từ quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã có thể thay thế quy trình ISO đối với các TTHC và còn được điện tử hóa giúp cho việc kiểm soát quy trình được chặt chẽ hơn.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và mô tả công việc của công chức được quy định chi tiết tại Nghị định số 36 ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và hiện nay là Nghị định số 62 ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức; đồng thời, các địa phương đã được Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Cụ thể, các cơ quan hành chính tỉnh Đồng Tháp có tất cả 316 vị trí việc làm đã được phê duyệt (49 vị trí việc làm thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý, điều hành; 251 vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ; 16 vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ) và được hoàn thiện bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm theo quy định.

Từ đó, làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với mỗi công chức phù hợp với tiêu chuẩn vị trí việc làm đang đảm nhiệm. Những nội dung này đã được quy định cụ thể, chi tiết và có tính pháp lý cao so với nội dung xây dựng nhiệm vụ, quyền hạn của công chức cơ quan, đơn vị áp dụng trong Hệ thống quản lý chất lượng.

Thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025; Quyết định số 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, các địa phương cấp tỉnh đều ban hành Đề án khung kiến trúc chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước, các quy trình văn bản đi, đến được điện tử hóa giúp cho việc vận hành được nhanh chóng, chính xác, cũng như kiểm tra, theo dõi, giám sát được thường xuyên, liên tục trên môi trường mạng.

Việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được thực hiện thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Việc này đã tối ưu hóa quy trình văn bản đi, đến trên môi trường mạng, với sự phát triển của việc xây dựng chính quyền điện tử và những hiệu quả mang lại thì Hệ thống quản lý chất lượng đã không còn phù hợp khi vẫn còn quy trình văn bản giấy.

Các nội dung khác của Hệ thống quản lý chất lượng như: Xây dựng mục tiêu chất lượng, báo cáo mục tiêu chất lượng, đánh giá nội bộ,... hiện nay đều được pháp luật hóa như quy định đấu thầu, mua sắm hàng hóa, thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính...

Qua đó, có thể đánh giá tất cả những nội dung chính của Hệ thống quản lý chất lượng đều được quy định cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác và được triển khai áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao hơn. Việc kiểm soát các quy trình, nội dung, kết quả thực hiện được ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng công khai, minh bạch, kịp thời và chính xác hơn, không những cơ quan, đơn vị theo dõi mà tất cả người dân, tổ chức cũng có thể theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện, nhất là đối với quy trình giải quyết TTHC.

Do đó, Hệ thống quản lý chất lượng đã không còn phù hợp và đáp ứng kịp theo yêu cầu thực tế phát triển hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét điều chỉnh nội dung thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo Quyết định số 19 ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm sự phù hợp với các nghị định, thông tư chuyên ngành, tránh để trùng lắp, chồng chéo như hiện nay (một công việc nhưng được quy định và thực hiện 2 lần song song, chỉ khác nhau về biểu mẫu, gây lãng phí nguồn lực, thời gian của cơ quan, đơn vị).

MINH THÙY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn