ĐỒNG THÁP
Nhiều mô hình, cách làm hay góp phần giữ vững tốp 3 Chỉ số cải cách hành chính
Cập nhật ngày: 28/05/2020 05:53:38
Vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019. Kết quả, tỉnh Đồng Tháp xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chỉ số 84,43% tăng 0,72 điểm và duy trì thứ hạng như năm 2018.
Công chức giải quyết thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng đối với người dân. Ảnh: THANH TRÚC
Chỉ số CCHC (PAR Index) được xây dựng theo hướng bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, chú trọng cả tự đánh giá trong nội bộ và cả đánh giá từ bên ngoài của người dân, doanh nghiệp đối với tình hình, kết quả thực hiện CCHC. Kết quả PAR Index 2019 đã phản ánh một cách tương đối toàn diện kết quả thực hiện CCHC trong năm 2019 cũng như những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực cải cách. Đây là nguồn thông tin quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh CCHC tại địa phương trong thời gian tới.
PAR Index cấp tỉnh được đánh giá dựa trên 8 lĩnh vực: Công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội và một tiêu chí lớn chiếm tỷ trọng 10% trong Bộ chỉ số CCHC là Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước cũng được phản ánh cụ thể trong kết quả được công bố vừa qua.
Đồng Tháp đã đạt được những chỉ số cao đối với các lĩnh vực như: công tác chỉ đạo điều hành với 94,12%; xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với 92%. Các lĩnh vực khác trung bình đạt 82,5%. Với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai thực hiện như: Tổng đài Dịch vụ hành chính công 1022; giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo mô hình 4 tại chỗ trong 1 ngày làm việc; thí điểm chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công; hẹn giờ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tận nhà; triển khai đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện; giải quyết TTHC lưu động ngày thứ 7;... đã mang đến sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động CCHC của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cũ còn lặp lại trong thực hiện CCHC như: cập nhật công khai niêm yết TTHC chưa kịp thời trên Bảng niêm yết cũng như trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương; chưa thực hiện đầy đủ việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC; số lượng lãnh đạo cấp phòng thuộc sở và tương đương, số lượng lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện vượt quy định; tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, qua dịch vụ Bưu chính công ích còn hạn chế; các tiêu chí tác động đến kinh tế - xã hội như: tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Hội đồng nhân dân tỉnh giao trong năm chưa đạt theo yêu cầu.
Cùng với Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) được Bộ Nội vụ công bố với Chỉ số đạt 87,62% xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tỷ lệ này Chỉ số hài lòng được tính tương ứng với 8,77/10 điểm tối đa của tiêu chí này trong Bộ chỉ số CCHC. Theo đó, chỉ số hài lòng được chia ra với các lĩnh vực tương ứng như hài lòng về tiếp cận dịch vụ đạt 1,33/1,5 điểm; hài lòng về tổ chức giải quyết TTHC đạt 1,32/1,5 điểm; hài lòng về công chức giải quyết TTHC đạt 2,21/2,5 điểm; hài lòng về kết quả giải quyết TTHC đạt 2,26/2,5 điểm; hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC đạt 1,65/2 điểm.
Qua phân tích ý kiến khảo sát của cá nhân, tổ chức thì số người đi lại từ 4 lần trở lên để thực hiện dịch vụ công (tính từ lúc nộp hồ sơ đến lúc nhận kết quả giải quyết công việc) chiếm 5,99%, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với năm 2018. Điều này chứng tỏ các cơ quan, địa phương vẫn đang tiếp tục nỗ lực để cải thiện sự phục vụ đối với người dân, tổ chức, không ngừng nâng cao chất lượng hướng dẫn TTHC và dịch vụ công (nhanh chóng và đầy đủ hơn) nhằm giảm công sức, thời gian đi lại cho người dân, tổ chức. Tỷ lệ công chức gây phiền hà, sách nhiễu và gợi ý nộp tiền ngoài quy định giảm so với năm 2018 từ 1,43% giảm xuống 0,42%. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc thực hiện nghiêm các quy định của đội ngũ công chức tiếp nhận và trả kết quả các cấp.
Với kết quả 2 chỉ số nêu trên cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong quyết tâm đẩy mạnh CCHC; sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính làm thay đổi, chuyển biến từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng nhất đối với người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Minh Thùy