“Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”

Cập nhật ngày: 18/05/2024 13:01:56

ĐTO - Là chủ đề Hội thảo Quốc gia do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào sáng ngày 18/5, bằng hình thức trực tiếp tại TP Hà Nội và trực tuyến đến 62 điểm cầu tỉnh, thành phố.

Dự tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh tham dự.


Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày các bài tham luận xoay quanh 2 chủ đề chính: Những vấn đề lý luận và bối cảnh chung của chuyển đổi số (CĐS) hiện nay; CĐS trong hoạt động Hội LHPN Việt Nam và những mô hình thực tiễn, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia CĐS. Trong đó, nhiều bài tham luận với nội dung sâu sắc, có hàm lượng khoa học, ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về CĐS, thực trạng công cuộc CĐS của Việt Nam hiện nay; vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam tham gia quá trình CĐS.

Ngoài các tham luận, đại biểu tham dự hội thảo còn được nghe Tọa đàm “Những mô hình thực tiễn, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia CĐS”. Theo đó, đại diện lãnh đạo các Hội LHPN tỉnh, thành phố chia sẻ giải pháp, mô hình hay về CĐS trong các cấp Hội tại địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, thu hút, tập hợp Hội viên trên internet và các nền tảng mạng xã hội; việc hỗ trợ phụ nữ tham gia chính quyền điện tử, kinh tế số.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện khâu đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 29 báo cáo tham luận của các học giả, nhà khoa học, nhà quản lý xoay quanh những vấn đề lý luận và bối cảnh chung của CĐS hiện nay; đề xuất những mô hình thực tiễn, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia CĐS. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam kỳ vọng, những thông tin tiếp nhận qua hội thảo là cơ sở quan trọng để Hội LHPN Việt Nam xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ CĐS đến năm 2030 trình Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện Chương trình CĐS Quốc gia…

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn