“Sở hữu nhà chung cư nên có thời hạn”
Cập nhật ngày: 27/10/2023 05:00:16
Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) (Ảnh: Thủy Nguyên)
Phát biểu về vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Tôi rất ủng hộ. Sở hữu nhà chung cư là phải có thời hạn!”.
Theo đại biểu Hòa, chủ đầu tư phải thông báo rõ ràng, minh bạch về thời hạn này cho người dân ngay tại thời điểm bàn giao nhà.
Quyền sử dụng đất lâu dài có thể gây khủng hoảng kinh tế
Đồng tình với đại biểu Hòa, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) ủng hộ sở hữu nhà chung cư nên có thời hạn. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan tới thời hạn sở hữu nhà chung cư chỉ có thể được giải quyết nếu Luật Đất đai có quy định về quyền sử dụng đất ở có thời hạn.
“Cá nhân tôi đã suy nghĩ về việc này nhiều năm”, đại biểu Thịnh nói và cho biết, từng bày tỏ về quyền sử dụng đất ở có thời hạn vào năm 2018.
Ông cho rằng, việc gắn các dự án bất động sản đất ở, nhà ở trong đó có chung cư với quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ tạo ra bước đột phá lớn, “đem lại rất nhiều lợi ích to lớn cho đất nước”.
Thứ nhất, hành động này sẽ khiến quyền sử dụng đất ở cấp mới không còn là hàng hóa tăng giá theo thời gian. Do đó, tính hấp dẫn quyền sử dụng đất ở sẽ được triệt tiêu.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, đại biểu Thịnh phân tích: “Quyền sử dụng đất ở lâu dài là gói đầu cơ yêu thích và tăng giá liên tục hàng thập kỷ”. Tình trạng giá đất ở tăng gấp nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng tài chính tại nhiều quốc gia.
Thứ hai, khi quyền sử dụng đất ở có thời hạn được thông qua, thị trường bất động sản sẽ lập tức sôi động trở lại. Bởi các dự án đã được cấp đều là đất ở có quyền sử dụng lâu dài.
Thứ ba, quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ giúp nhà nước thực hiện được trách nhiệm của mình: Bảo đảm chỗ ở cho mọi người dân, đất nông nghiệp cho mọi người sản xuất một cách dễ dàng.
Thứ tư, việc này sẽ giúp giảm mạnh căng thẳng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.
Thứ năm, đây là hành động kích cầu thu hút nguồn vốn nước ngoài vào các dự án bất động sản của Việt Nam. Đồng thời, giúp Chính phủ dễ dàng giải quyết vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà ở, sở hữu đất.
Thứ sáu, khi chuyển quyền sử dụng đất ở từ lâu dài thành có thời hạn, hiệu quả sử dụng đất sẽ được nâng cao. Theo số liệu kiểm kê đất đai của Chính phủ được công bố vào năm 2021, diện tích bình quân đất ở của Việt Nam đã ở mức 90m2/người.
“Đây là một con số rất lớn”, đại biểu Thịnh lập luận và cho rằng, quy định về thời hạn đất ở sẽ giúp xã hội hạn chế khủng hoảng thừa, tránh lãng phí nguồn lực về đất đai; đồng thời đưa đất đai thực hiện được chức năng chính: Tư liệu sản xuất.
Cần phân biệt rõ quyền sử dụng và quyền sở hữu nhà chung cư
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phân biệt rất rõ thời hạn sử dụng với thời hạn sở hữu nhà chung cư. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Thủy Nguyên)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải thích: “Đúng là thời hạn sử dụng đất đã được quy định trong Luật Đất đai. Nhưng chính Luật Đất đai cũng quy định quyền sử dụng đất ở là không có thời hạn”.
Do vậy, quyền sử dụng đất ở của người dân sở hữu chung cư cũng không có thời hạn. Còn thời hạn sử dụng nhà chung cư sẽ phụ thuộc vào quy định và điều kiện thực tế.
Cụ thể, thời hạn sử dụng nhà chung cư đã được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở. Theo đó, thời hạn sẽ được xác định khi lập đồ án thiết kế. Tuy nhiên thời hạn thực tế sử dụng nhà chung cư còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: động đất, hỏa hoạn,…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, ngay cả khi thời hạn sử dụng về mặt kỹ thuật đã hết, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn có giá trị sử dụng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật thì không nên dỡ bỏ nhà chung cư để tránh lãng phí.
Theo THI UYÊN (NDO)