“Tổ dân phòng liên kết” tiếp tục phát huy hiệu quả
Cập nhật ngày: 06/12/2013 05:53:16
Để tăng cường công tác vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng xã hội học tập, năm 2006 Đảng ủy xã Mỹ Hội (huyện Cao Lãnh) chủ trương thành lập “Tổ dân phòng - khuyến học” trên cơ sở kết hợp 2 tổ chức tổ dân phòng và tổ khuyến học để tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động này vào một đầu mối, đồng thời tăng cường công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, giảm thời gian hội họp của nhân dân. Qua thời gian thực hiện, mô hình “Tổ dân phòng-khuyến học” ở xã Mỹ Hội được một số xã trong huyện học tập và vận dụng mang lại hiệu quả.
Họp “Tổ dân phòng liên kết” ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh
Nổi bật là xã Bình Hàng Trung. Trên cơ sở phối hợp 2 tổ chức, xã Bình Hàng Trung phát triển mô hình với sự phối hợp 4 tổ chức: tổ dân phòng, tổ khuyến học, tổ văn hóa và tổ Hội Nông dân. Từ kết quả của “Tổ dân phòng - khuyến học” ở xã Mỹ Hội và một số địa phương khác trong huyện, năm 2009 Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Cao Lãnh tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình “Tổ dân phòng - khuyến học” ở xã Bình Hàng Trung. Hội thảo đã thống nhất nhân rộng mô hình với tên gọi là “Tổ dân phòng liên kết” gồm 4 tổ chức thành viên (tổ dân phòng, tổ khuyến học, tổ văn hóa và tổ Hội Nông dân). Sau hội thảo, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất chủ trương nhân rộng mô hình với tên gọi “Tổ dân phòng liên kết”; sau đó UBND huyện Cao Lãnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình “Tổ dân phòng liên kết” trên địa bàn. Đặc biệt, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng, chi ủy, chi bộ giới thiệu đảng viên ứng cử chức vụ tổ trưởng, tổ phó hoặc phân công đảng viên phụ trách “Tổ dân phòng liên kết” theo chủ trương chung, tổ có quy chế hoạt động và họp lệ hàng tháng.
Về nội dung và phương thức hoạt động của “Tổ dân phòng liên kết”, nhất là trong cuộc họp, tổ trưởng hoặc tổ phó triển khai các chủ trương, nhiệm vụ của địa phương. Các thành viên dự họp (đại diện hộ gia đình) thảo luận giải pháp thực hiện, phản ánh những vấn đề bức xúc. Lãnh đạo tổ hoặc đảng viên phụ trách giải đáp thắc mắc những vấn đề thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ hoặc ghi nhận, báo cáo về trên và trả lời những thắc mắc, kiến nghị trước đó của người dân. Sau cuộc họp, lãnh đạo tổ hoặc đảng viên phụ trách có trách nhiệm báo cáo những kiến nghị của người dân với chi ủy, chi bộ hoặc đảng ủy, UBND xã để xem xét giải quyết. Với chủ trương của BTV Huyện ủy, sự đồng thuận của các ban, ngành liên quan và nhân dân, đến nay toàn huyện Cao Lãnh đã xây dựng được 1.875 “Tổ dân phòng liên kết”, mỗi tổ có từ 15 - 25 hộ gia đình, 1 tổ trưởng và 1 đến 3 tổ phó, được trang bị biểu mẫu, sổ sách. Có 325 đảng viên làm tổ trưởng, 1.624 đảng viên phụ trách, 25% đảng viên cư trú tham gia sinh hoạt tổ.
Qua hơn 4 năm hoạt động, các “Tổ dân phòng liên kết” ở huyện Cao Lãnh đã tổ chức được 30.818 lượt tuyên truyền với nhiều nội dung, trong đó tập trung lĩnh vực quốc phòng - an ninh, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp với hơn 659.000 lượt người dự. Thông qua đó, nhận thức, trách nhiệm của người dân từng bước được nâng lên, xuất hiện ngày càng nhiều những những mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình tiêu biểu trong nhân dân: có 2.408 tin tố giác tội phạm do nhân dân cung cấp, trong đó có 1.132 tin có giá trị; kịp thời phát hiện và xử lý 1.025 trường hợp vi phạm nhỏ về an ninh trật tự với 1.673 đối tượng. Toàn huyện có 23.065 hộ gia đình hiếu học và 16 dòng họ hiếu học; hơn 1.300 em học sinh có nguy cơ bỏ học được vận động trở lại lớp; vận động Quỹ khuyến học trên 4 tỷ đồng.
Dũng Chinh