50 năm - Quân và dân Cao Lãnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng quê hương

Cập nhật ngày: 02/05/2025 09:30:36

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250502093211dt2-1.mp3

 

ĐTO - Chiến thắng ngày 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung, Quân và dân Cao Lãnh nói riêng. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao khí phách và trí tuệ con người Việt Nam.


Mít tinh mừng chiến thắng 30/4/1975 ở thị xã Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh)

Quán triệt Nghị quyết số 227-NQ/TW ngày 13/10/1973 Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm của Bộ Chính trị và kế hoạch 2 năm giải phóng miền Nam, Tỉnh ủy Sa Đéc chỉ đạo các đơn vị, địa phương học tập Thư của Bộ Chỉ huy Miền, Khu ủy và Bộ Chỉ huy quân Khu. Các huyện, thị xã triển khai Chỉ thị của Tỉnh ủy về “Tổng kiểm tra lực lượng” chuẩn bị bước vào mùa khô 1975 theo chỉ thị của Trung ương cục miền Nam.

Thực hiện kế hoạch mùa khô 1975, Tỉnh ủy Sa Đéc chủ trương thành lập Ban Chỉ huy mặt trận (Tiền phương) và Ban Chỉ huy các khu vực, lập đài vô tuyến điện báo và đài điện báo lưu động cho Ban Chỉ huy tiền phương... Từ ngày 20/12/1974, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, toàn miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy. Chiến dịch Xuân Hè 1975 bắt đầu.

Ở tỉnh Sa Đéc, cao điểm I (từ ngày 20/12/1974 - 20/1/1975), hoạt động của quân và dân Sa Đéc đạt kết quả thấp vì lực lượng D502 của ta chưa triển khai xong sang Nam sông Tiền. Dù thành tích chưa cao, nhưng ta đã tạo khí thế tấn công mới, nhất là khu vực phía Nam sông Tiền. Địch tiếp tục sa sút, bị căng kéo và chuyển vào thế co thủ.

Bước vào cao điểm II (từ ngày 20/1 - 20/2/1975), khu vực phía Nam sông Tiền, Tiểu đoàn 502A, Tiểu đoàn 1 Vĩnh Long và bộ đội các huyện, du kích hoạt động khá; các huyện, thị phía Bắc tự lực tấn công vì tỉnh điều Tiểu đoàn 502B cho phía Nam.

Riêng biệt động thị xã Cao Lãnh đánh tiêu hao nặng bót kinh Cụt, đánh sập cầu kinh Cụt, pháo kích trận địa pháo Quảng Khánh ở khu 2 (Mỹ Trà), phá hỏng 4 khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Du kích khu 2 gài mìn diệt 1 xe GMC từ Chi khu Cao Lãnh vào Quảng Khánh.

Ngày 15 và 16/4/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sa Đéc họp mở rộng khẩn cấp đã tập trung thảo luận Nghị quyết đặc biệt và nhận mệnh lệnh Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Trung ương cục. Hội nghị nhất trí với nhận định, thời cơ chiến lược giành toàn thắng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, giải phóng tỉnh nhà.

Được Bộ Chính trị phê chuẩn, lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và được phát sóng trên Đài phát thanh Sài Gòn. 15 giờ ngày 30/4/1975, từ rạch Ông Tơ, xã Nhị Mỹ bắt đầu tiến quân về An Bình ra Tắc Thầy Cai, vượt sông Cao Lãnh tiến về nội ô thị xã. Từ 21 giờ đến 22 giờ ngày 30/4/1975, ta tiếp quản Tòa hành chánh, Tiểu khu Kiến Phong và phát thanh phổ biến chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là thời điểm giải phóng thị xã; đến 24 giờ các cánh đã tiếp quản xong các mục tiêu chính trong thị xã Cao Lãnh.

Bà Trần Thị Minh Thanh (SN 1945) được Đảng và Nhà nước ghi nhận trao Huân chương độc lập, danh hiệu cao quý dành cho những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Theo hồi ký của bà, năm 1959, bà tham gia phong trào học sinh tại Trường Trung học công lập Kiến Phong, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong (nay là TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Suốt quá trình vừa phấn đấu trong học tập, vừa cùng các bạn học sinh tham gia cách mạng, dù là nữ nhưng bà Trần Thị Minh Thanh vẫn thể hiện khí phách của người học sinh đầy nhiệt huyết và ngày 20/4/1964 bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 30/4/1975, thời khắc chuẩn bị hòa bình, sự chiến đấu của bản thân và đồng chí, đồng đội càng nhân lên gấp bội, sẵn sàng hy sinh cho đất nước, chứ nhất quyết không làm nô lệ. Và đặc biệt đối với người nữ kiên trung này là tham gia may cờ Tổ quốc và tự trèo lên cây sao gần cầu Đình Trung (hiện nay) để treo cờ Tổ quốc mừng ngày toàn thắng, đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự do.

Theo lời kể của bà Trần Thị Minh Thanh, gần giải phóng chỉ còn một thời gian rất ngắn, Tỉnh ủy chỉ đạo dứt khoát các vùng ven làm sao cho địch khiếp sợ. Cuối cùng, Tỉnh ủy chỉ đạo cho Thị xã ủy để quyết định đánh đồn. Lúc đó, tôi được phân công tham gia làm Bí thư Khu 1. Nhiệm vụ trước nhất là vận động Nhân dân may cờ, chuẩn bị sẵn khi giải phóng; đồng thời, đào hầm từ cầu Đình Trung dài đến cầu nhà ông Tám Thế để địch không phát hiện khi treo cờ. Khoảng 20 - 21 giờ ngày 30/4, chỗ cầu Đình Trung có 1 cây sao rất cao, khi bộ đội gom về, không còn rải rác nữa, tôi quyết tâm leo lên cây sao được thước nào hay thước đó để treo cờ Tổ quốc để mình tuyên bố tướng Diệm đã đầu hàng. Nói chung, khí thế ngày 30/4 phải nói là quá mừng. Tôi mong muốn và tâm huyết, thế hệ sau này phải cố gắng giữ vững nền độc lập, tự do, vì xương máu của quân và dân mình đã đổ quá nhiều để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Sáng ngày 2/5/1975, hàng chục ngàn người từ các xã, huyện Cao Lãnh và thị xã Cao Lãnh dự mít tinh tại sân Tòa hành chánh Kiến Phong (nay là trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp) chào mừng chiến thắng. Đồng chí Nguyễn Thanh Khê - Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Sa Đéc đọc diễn văn ôn lại truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm của Nhân dân trong tỉnh, lên án tội ác của đế quốc Mỹ đối với Nhân dân ta, nêu bật ý nghĩa thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và khẳng định đã vĩnh viễn qua rồi đêm dài nô lệ, trang sử mới đang mở ra tương lai xán lạn cho dân tộc ta, Nhân dân tỉnh ta.

Theo chỉ đạo của Trung ương, ngày 15/5/1975, cả nước làm lễ mừng chiến thắng. Thị xã Cao Lãnh tổ chức mít tinh tại sân vận động cả chục ngàn người dự, khi kết thúc kéo nhiều cánh tuần hành các đường chính trong thị xã, đêm có biểu diễn văn nghệ.

Ngày 19/5/1975, kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Bác Hồ, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức trọng thể tại thị xã Cao Lãnh, sau khi họp mít tinh tại trung tâm thị xã, hàng chục ngàn người thay mặt Nhân dân cả nước đã làm lễ rước ảnh Bác Hồ về thăm mộ thân sinh của Người - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khắc sâu hơn công ơn trời biển của Người, đồng thời thỏa lòng ước mong của Nhân dân sớm giải phóng miền Nam để Nhân dân Đồng Tháp - Cao Lãnh đón Bác vào viếng mộ thân sinh của Người.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, toàn Đảng bộ, Quân và dân Cao Lãnh nói riêng, tỉnh nói chung đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng tỉnh nhà, góp phần cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Tuyết Ngọc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn