Các hoạt động chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo được quan tâm và giải quyết kịp thời

Cập nhật ngày: 17/01/2014 06:26:46

Tỉnh Đồng Tháp có 26 tổ chức, hệ phái và các nhóm tôn giáo, trong đó có 17 tổ chức được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và đang hoạt động bình thường. Toàn tỉnh có 346.990 tín đồ, chiếm khoảng 21,88% dân số. Phần lớn các tín đồ tôn giáo có tinh thần lao động cần cù, có truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, có niềm tin tôn giáo và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật.


Đồng chí Đoàn Quốc Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
chúc mừng Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ VII

Qua triển khai thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92 của Chính phủ, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thời gian qua được tập trung hơn. Các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hầu hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cơ sở, cán bộ làm công tác tôn giáo đã nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn giáo, hiểu biết các nguyên tắc và các thủ tục hành chính về giải quyết các vụ việc có liên quan đến tôn giáo.

Năm 2013, hầu hết nhu cầu sinh hoạt chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tôn giáo đều được chính quyền quan tâm giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của tôn giáo như: một số công trình tôn giáo, công trình phụ phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo được tỉnh cấp phép xây dựng, trùng tu lại; có 1 Họ đạo Cao Đài Tây Ninh hoàn nguyên Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh; một số cơ sở thờ tự được thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc đến quản lý, hướng dẫn việc đạo; nhiều chức sắc, tín đồ được giới thiệu đi học tập, thọ giới ngoài tỉnh; các ngày lễ được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ tham gia;...

Cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội, các tôn giáo cũng góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo. Tiêu biểu cho những hoạt động này là việc tổ chức khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo, bắc cầu, làm đường nông thôn, lập tổ cấp cơm cháo, nước miễn phí ở các bệnh viện, xây cất nhà tình thương, tặng tập vở, quần áo cho học sinh nghèo hiếu học... Song song đó, các tôn giáo còn phát huy vai trò tích cực trong việc tác động, hướng dẫn tín đồ tham gia các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê chưa đầy đủ của các tôn giáo, bình quân mỗi năm, các tôn giáo ở Đồng Tháp đóng góp trên 30 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc cùng toàn dân xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.


Xây dựng cầu nông thôn trong tỉnh có sự đóng góp từ kinh phí
của tín đồ tôn giáo

Năm 2014, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp, cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo; tham mưu, giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng hợp pháp của các tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, hoạt động của các tôn giáo ở Đồng Tháp tiếp tục ổn định và đi vào nề nếp, đặc biệt chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, với cộng đồng dân cư, chăm lo xây dựng tình làng nghĩa xóm, ra sức lao động sản xuất, tích cực đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước của toàn dân; đồng thời duy trì các sinh hoạt tôn giáo tuân thủ chính sách, pháp luật, gắn bó với giáo hội theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”.

Ban Tôn giáo Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn