Cám ơn nghề báo

Cập nhật ngày: 21/06/2013 05:27:37

Dù biết bước vào nghề báo là phải dấn thân vào những gian truân, vất vả nhiều hơn là sự thảnh thơi, nhàn hạ, nhưng với lòng đam mê các nhà báo vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.

Trong cuộc sống, nghề nào cũng có nỗi niềm, buồn-vui, sướng-khổ riêng. Nghề báo cũng vậy. Để có những thông tin “nóng hổi” cung cấp cho bạn đọc về một sự kiện hay vấn đề gì đó, những người làm báo phải trải qua không ít trăn trở. Đó là sự suy tư để tìm tòi, sáng tạo nhằm viết cho hay, cho đúng, cho hấp dẫn. Nhiều đồng nghiệp làm báo thường tâm sự vui với nhau rằng, nghề của chúng ta là nghề tự “làm khổ” chính mình.


Nhà báo đang tác nghiệp

Thật vậy, với nhiều nghề khi đã kết thúc giờ làm việc tại cơ quan, xem như đã thảnh thơi, còn thời gian làm việc của nhà báo thì không kể ngày đêm. Nhà báo sẵn sàng lao vào công việc, bất kể đêm hôm, mưa bão. Bởi vì, đối với người làm báo, bỏ qua một sự kiện nóng, một hiện tượng hay khám phá ra cái mới mà không khai thác để cung cấp thông tin cho mọi người được biết, đó là sự dày vò với lương tâm. Nếu trong cuộc sống, nhà báo phát hiện ra được những cái đẹp, cái xấu ngay trước mắt mà không phản ánh thì giống như đang mắc lỗi với chính bản thân. Nhiều người làm báo thường có tâm hồn nhạy cảm, có đời sống nội tâm phong phú và sâu lắng chính là thế.

Dù có tuổi đời, tuổi nghề còn ngắn nhưng sau quá trình làm báo, bản thân cũng có những buồn-vui, cay-đắng trong nghề. Đó là cảm giác “vui như mở hội” trong lòng khi ngòi bút của mình đã giải bày nỗi bức xúc của người dân về những vấn đề tiêu cực nào đó được ngành chức năng giải quyết. Đó là cảm giác sung sướng khi bạn đọc gọi động viên, khích lệ về những điều mình viết trung thực, khách quan có tác dụng tích cực đối với nhiều người. Hay như phản hồi của những cảnh đời bất hạnh, bệnh tật được bản thân thông tin trên mặt báo đã được xã hội giúp đỡ, có điều kiện vươn lên.

Tuy nhiên, đằng sau những trang viết, có mấy ai thấu hiểu nỗi lòng của người cầm bút. Nếu viết khen thì nhân vật, người được khen sẽ nở mày, nở mặt. Còn người đi khen, không biết được ai chia sẻ. Nếu viết chê, nhà báo có thể phải hứng chịu những lời đe dọa, thách thức, nhất là ở các lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội... Vì vậy, đã không ít người bảo nghề báo là nghề “hồng nhan bạc phận” cũng đúng. Để bám trụ với nghề đòi hỏi nhà báo phải tự rèn cho mình cái tâm, cái tầm và sự nhiệt huyết.

Được sống với nghề, nhiều nhà báo cho biết, bản thân mình có được may mắn và diễm phúc mà nghề nghiệp mang lại. Nhờ nghề báo, nhiều nhà báo có dịp đi đây, đi đó, được nghiên cứu viết bài ở nhiều lĩnh vực và mở mang kiến thức bản thân. Nhờ nghề báo, mà người làm báo được mở rộng mối quan hệ xã hội, được quen biết với nhiều người thú vị.

Dù phải vượt qua nhiều gian truân, thử thách nhưng nhiều thế hệ nhà báo vẫn luôn rất tự hào vì được “kết duyên” với cái nghề vốn được xã hội đào tạo ra và tôn vinh. Xin cám ơn nghề báo và sẽ nguyện sống hết mình với nghề.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn