Cần đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả công việc

Cập nhật ngày: 20/02/2024 19:50:13

ĐTO - Ngày 20/2, ông Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát đến huyện Thanh Bình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.


Ông Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi giám sát (Ảnh: N.Long)

Đoàn giám sát đến làm việc tại Trường THPT Thanh Bình 1; Trung tâm Y tế huyện và UBND huyện Thanh Bình. Kết quả giám sát cho thấy, UBND huyện đã bám sát nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy và triển khai thực hiện với quyết tâm cao, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, đảm bảo tiến độ đề ra. Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; chức năng, nhiệm vụ đơn vị được rà soát, điều chỉnh đảm bảo hợp lý, khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.


Ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Y tế huyện Thanh Bình nêu kiến nghị tại buổi giám sát

Huyện đã xây dựng lộ trình và đang phấn đấu thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, đảm bảo tỷ lệ tinh giản 10% biên chế hưởng lương ngân sách so với biên chế được giao; đến ngày 31/12/2023, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập là 59, so với năm 2015 giảm 10 đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định; chủ động khai thác nguồn thu, tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn.

Tại buổi giám sát, các đại biểu trao đổi, thông tin tập trung vào công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; triển khai các văn bản cấp trên; thực hiện tự chủ tài chính; vị trí việc làm; chênh lệch thừa, thiếu giáo viên; cơ sở vật chất chưa đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh và giảng dạy theo chương trình mới...

Qua đó, Trung tâm Y tế huyện kiến nghị được hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục duy trì mức tự chủ 1 phần cho đến khi đơn vị có nguồn thu và trích được các quỹ duy trì hoạt động mới tăng tỷ lệ tự chủ. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế xây dựng đề án triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện; trong đề án vị trí việc làm nên có chức danh quản trị đơn vị.


Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV (bên trái) phát biểu trao đổi về thực hiện tự chủ tài chính

Trường THPT Thanh Bình 1 kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế quản lý, chính sách riêng cho ngành giáo dục, giảm giá sách giáo khoa và cách phân bổ sách giáo khoa; sớm có hướng dẫn thực hiện chuyển chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên THPT. UBND huyện đề nghị sớm ổn định biên chế sự nghiệp giáo dục, đảm bảo số lượng người làm việc để nâng cao chất lượng giáo dục...

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu huyện Thanh Bình quan tâm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm hợp lý, đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, tạo sự đồng thuận; đồng thời yêu cầu các đơn vị hoàn chỉnh báo cáo theo yêu cầu nội dung Đoàn giám sát đề ra.

N.LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn