Tiếp tục phát huy tình hữu nghị truyền thống, hợp tác chiến lược toàn diện và ổn định lâu dài giữa Việt Nam - Trung Quốc

Cập nhật ngày: 17/02/2024 05:28:48

ĐTO - Cách đây 45 năm, Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam (17/2/1979 - 17/2/2024) đã khẳng định sự thật lịch sử, tính chính nghĩa, quyền tự vệ chính đáng của dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.


Vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) trong 1 năm, từ 9 giờ theo giờ Hà Nội (tức 10 giờ Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến 16 giờ theo giờ Hà Nội (tức 17 giờ Bắc Kinh) ngày 14/9/2024

Chúng ta nhắc lại sự kiện là để tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến và sự hy sinh, tinh thần dũng cảm, kiên cường của chiến sĩ, đồng bào cả nước nói chung, quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc nói riêng trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam. Đồng thời khẳng định lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ người Việt Nam hiện nay, nhất là thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng, bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Sự kiện ngày 17/2/1979, chúng ta không được phép lãng quên. Nhưng, chủ trương, đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ với Trung Quốc, với tinh thần: Gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; kiên trì, nỗ lực “thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định trong thời đại mới”. Việt Nam khẳng định: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc được khôi phục nhanh chóng, phát triển toàn diện theo xu thế ngày càng ổn định, tích cực. Khuôn khổ quan hệ hai nước không ngừng được bổ sung, hoàn thiện với phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “bốn tốt” là “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2002). Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (năm 2008). Trong 15 năm qua (2008 - 2023), quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện, không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Đặc biệt là sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (từ 30/10 - 1/11/2022) và “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” được đưa ra trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 12 và 13/12/2023) đã tăng cường định hướng chiến lược, tiếp thêm động lực phát triển và sức lan tỏa mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Hợp tác giữa hai đảng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng xây dựng quan hệ tin cậy giữa hai nước. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác thường xuyên giữa các ban đảng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, xây dựng đảng; tổ chức thành công cơ chế gặp gỡ cấp cao hai đảng và hội thảo lý luận trao đổi về kinh nghiệm xây dựng đảng, quản lý nhà nước, đổi mới, cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế; ký kết và triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác giữa hai đảng... góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và bảo đảm chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định.

Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Đại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ, ngành hai nước không ngừng được tăng cường. Quan hệ giữa các địa phương với các tỉnh giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc được gắn kết. Giao lưu, trao đổi giữa các đoàn thể quần chúng ngày càng mở rộng, góp phần tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy hợp tác có lợi, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Diễn đàn nhân dân, Liên hoan hữu nghị nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên, Liên hoan thanh niên…

Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày đi vào chiều sâu và không ngừng phát triển. Năm 1991, kim ngạch thương mại hai bên chỉ 32 triệu USD thì năm 2022 chỉ số này đã trên 175 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 tỷ USD trở lên trong năm 2023 và tiếp tục duy trì vị thế bạn hàng lớn nhất nước ta. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và chiếm ¼ tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN, là đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Tính đến năm 2023, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng lượng vốn đầu tư.

Những năm gần đây, hợp tác giáo dục - đào tạo hai nước phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, hai nước ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa. Hằng năm, Trung Quốc duy trì 150 suất học bổng toàn phần đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc và Việt Nam duy trì 15 suất học bổng toàn phần dành cho Trung Quốc đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Tại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2022), hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, trong đó phía Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới, cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc và giúp Việt Nam bồi dưỡng giáo viên tiếng Trung Quốc.

Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa hai bên đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là giao lưu văn hóa truyền thống, triển lãm hội họa, xuất bản, báo chí, điện ảnh… Từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 200 đoàn đại biểu văn hóa sang Trung Quốc biểu diễn, khảo sát, học hỏi; Trung Quốc cử hàng trăm đoàn giao lưu văn hóa hữu nghị với Việt Nam. Hợp tác về du lịch của hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nếu như Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam và Việt Nam cũng là 1 trong 5 thị trường nước ngoài lớn nhất gửi khách tới Trung Quốc. Lượng khách đi lại giữa hai nước tiếp tục tăng lên khi các sản phẩm du lịch hấp dẫn liên tục được đưa ra thu hút du khách.

Về biên giới lãnh thổ, sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam - Trung Quốc đã tiến hành đàm phán thực chất và ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền” ngày 30/12/1999. Tháng 2/2009, sau 10 năm đàm phán, hai nước đã hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền. Năm 2000, hai nước ký “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ”, có hiệu lực từ năm 2004. Hai bên thực hiện tốt công tác điều tra liên hợp nguồn thủy sản và tuần tra chung của hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (năm 2011), thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và 3 cơ chế đàm phán, góp phần tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ; hai bên thường xuyên trao đổi đoàn tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, đẩy mạnh chia sẻ nhằm bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh chế độ, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Trung Quốc.

Từ những kết quả trên cho thấy, trong 74 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950) đến nay, mặc dù có lúc thăng trầm và tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt, nhưng tình hữu nghị truyền thống và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai nước. Những thành quả trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt trong hơn 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ là tài sản quý báu của nhân dân hai nước cần được tiếp tục kế thừa, bảo vệ và phát huy như lời khẳng định tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023): “Việt Nam - Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, con đường phát triển gần gũi, cùng chung chí hướng, chia sẻ tương lai chung, đều nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, nỗ lực vì sự nghiệp cao cả hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.

Phú Trọng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn