Cao Lãnh, một trong ba khu tập kết quan trọng tại Nam bộ

Cập nhật ngày: 15/10/2014 08:17:11

Tập kết chuyển quân là một nội dung quan trọng trong Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm 1954. Do có vị trí chiến lược thuận lợi, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) được Đảng ta chọn làm một trong ba khu tập kết quan trọng tại Nam bộ. Thông qua tập kết, với chủ trương của Đảng, Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Long Châu Sa tổ chức các hoạt động sôi nổi, phong phú, góp phần nâng cao ý thức cách mạng, khơi dậy tinh thần dân tộc trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, khi đế quốc Mỹ thay thế thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, với trận địa trống trải của đồng bằng nhưng các cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang vẫn có “căn cứ lòng dân” vững chắc để tồn tại và phát triển. Cán bộ, bộ đội tập kết ra Bắc được học tập nâng cao trình độ, xây dựng quân đội chính quy, tham gia xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, làm hậu thuẫn cho cách mạng miền Nam; thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia; đặc biệt, những chiến sĩ này đã trở về sát cánh cùng những người “ở lại” và nhân dân tiếp tục cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giáng một đòn quyết định, đập tan nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp có sự giúp đỡ của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, trực tiếp góp phần đưa đến sự ra đời của Hiệp định Genève về việc lập lại hòa bình tại Đông Dương. Hiệp định Genève là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự, nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn định giới hạn cuộc thảo luận tại Genève về Đông Dương trong khuôn khổ một hiệp nghị ngừng bắn đơn thuần. Đây là thắng lợi to lớn của nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia trên con đường giải phóng dân tộc, đồng thời là cơ sở pháp lý để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Ngày 21/7/1954, “sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp riêng đầy căng thẳng, Hội nghị Genève về Đông Dương kết thúc. Đối với Việt Nam, Hiệp định đình chỉ chiến sự ký kết giữa ta và Pháp có sáu chương với 47 điều khoản”(1). Trong đó, giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, chia Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, miền Nam do Pháp tạm thời quản lý, quân đội của hai bên tập kết về khu vực của mình, thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày. Cả hai bên có nhiệm vụ giải quyết vấn đề thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956.

Hiệp định đình chỉ chiến sự - những văn bản duy nhất được ký kết và Tuyên bố cuối cùng, do các bên tham gia hội nghị thỏa thuận trong hai ngày 20 và 21/7/1954, cùng các tuyên bố đơn phương tôn trọng Hiệp định của Chính phủ Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc đã tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Genève về Đông Dương, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc thúc đẩy tiến trình đấu tranh của nhân dân ta cho tự do, độc lập, hòa bình. Đặc biệt, Hiệp định Genève buộc quân đội nước ngoài phải rút hết khỏi Đông Dương, góp phần quan trọng tạo lập được môi trường hòa bình, ổn định cho việc tái thiết Đông Dương sau chiến tranh, làm cho việc thay đổi tương quan lực lượng và cục diện Đông Dương, cũng như Đông Nam Á có lợi cho xu hướng chống ách thống trị và lệ thuộc phương Tây vì độc lập tự do, hoà bình. Theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, “tại Nam bộ thực hiện ngừng bắn lúc 8 giờ ngày 11/8/1954 và quy định 3 khu tập kết”(2): Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân, Xuyên Mộc; Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười; Khu tập kết 200 ngày ở Chắc Băng, Cà Mau. Khu tập kết Đồng Tháp Mười, trung tâm là thị trấn Cao Lãnh, thuộc tỉnh Long Châu Sa, một trong ba khu tập kết của quân đội nhân dân Việt Nam ở Nam bộ theo quy định tại Điều 15 của Hiệp định Genève.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn