Chỉ đồng thuận thì chưa đủ
Cập nhật ngày: 07/08/2018 05:12:06
ĐTO - Hội nghị sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 không chỉ sơ kết những kết quả, hạn chế qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa X mà còn rút ra những kinh nghiệm và nhất là giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ những năm còn lại và những năm tiếp theo.
Cán bộ, công nhân viên chức phải luôn “Gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” (ảnh: Y Du)
Đến thời điểm này, có 6/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội; 5 nghị quyết và 11 kết luận chuyên đề của Tỉnh ủy được triển khai, thực hiện đạt kết quả quan trọng.
Mặc dù những kết quả đạt được khá khiêm tốn, tuy nhiên, nếu so sánh với thời gian cùng kỳ trước đây và nhất là không đánh giá tình hình theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ” thì tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nhà có chuyển biến tích cực và rất khả quan.
Điều dễ nhận thấy là diện mạo tỉnh nhà thay đổi căn bản, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, vùng đất một thời gian dài bị coi là “cuối nguồn, khuất nẻo” đã được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết và tìm đến với tâm thế hào hứng, phấn khởi, cùng chính quyền, nhân dân địa phương đầu tư vào các lĩnh vực với tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 70% so giai đoạn 2013 - 2015.
Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội X và các nghị quyết chuyên đề, kết luận của Tỉnh ủy đòi hỏi phải có thời gian, không chỉ trong 5 năm mà phải nhiều năm sau đó mới có kết quả cuối cùng, đồng thời quá trình thực hiện phải đồng bộ trong sự tác động qua lại của các nghị quyết và giải pháp. Ngoài ra còn có sự tác động đến việc thực hiện nghị quyết của nhiều yếu tố khách quan, tình hình trong nước, khu vực và thế giới.
Như để tăng thu nhập bình quân đầu người gấp 2 lần vào năm 2020 đòi hỏi phải gia tăng giá trị sản xuất, dịch vụ. Muốn vậy phải tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp địa phương. Nhưng tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học công nghệ... mà còn phải thay đổi tập quán, tư duy canh tác hàng trăm năm của nông dân như độc canh cây lúa, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chỉ chú trọng sản lượng, chưa quan tâm thị trường tiêu thụ...
Hoặc phát triển du lịch cũng sẽ góp phần tăng thu nhập, nhưng để thực hiện phải tăng cường quảng bá hình ảnh Đồng Tháp, giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, xây dựng con người hào sảng, mến khách...
Phấn khởi với những kết quả đạt được và tin tưởng sẽ có thành tựu to lớn hơn nữa, nhưng cũng phải thấy còn không ít hạn chế.
Nổi lên là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Nếu như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh nhiều năm liền đứng trong nhóm đầu cả nước, là minh chứng sự tín nhiệm của doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với những chủ trương, giải pháp và tinh thần cầu thị, gần gũi, cùng đồng hành, chia sẻ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thì Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lại bị sụt giảm, đồng nghĩa mức độ tín nhiệm của người dân đối với cơ quan công quyền, đối với những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước sụt giảm.
Tỉnh ta dù chưa xảy ra những vụ việc gây xôn xao dư luận cả nước như bỏ quên Bằng Tổ quốc ghi công trong tủ hàng chục năm, lãnh đạo địa phương có thái độ hống hách khi người dân phàn nàn việc kéo dài thời gian làm thủ tục khai tử... nhưng những việc như hướng dẫn thủ tục hành chính kiểu nhỏ giọt; treo bảng cấm chụp hình trụ sở UBND xã; không nắm bắt kịp thời, vô cảm, quan liêu trước bức xúc của người dân... ở nơi này, nơi khác đã tạo hiệu ứng dây chuyền, từ mất niềm tin đối với một cá nhân cụ thể kéo theo mất niềm tin cả hệ thống, làm nản lòng nhà đầu tư và du khách, ảnh hưởng hình ảnh cả tỉnh nhà, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.
Thu nhập bình quân đầu người của Đồng Tháp chỉ đạt mức trung bình các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạt 89% bình quân cả nước; khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng tỷ trọng còn thấp trong nền kinh tế; nhiều lao động chưa qua đào tạo, chưa có việc làm thường xuyên... là những thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong thời gian tới.
Cho thấy, các nghị quyết, nhiệm vụ đề ra cả nhiệm kỳ đã được thực tế chứng minh là phù hợp với tình hình, quá trình điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh linh hoạt, sáng tạo, đi vào cuộc sống, nhưng vẫn còn những điểm nghẽn.
Những hạn chế được nêu trong báo cáo giữa nhiệm kỳ cũng là những điểm nghẽn đó. Đồng thời, nhiều ý kiến của đại biểu tại hội nghị cũng đã nhấn mạnh, làm rõ thêm điểm nghẽn được xem là lớn nhất là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng, chia sẻ, đồng hành cùng nhân dân, để biến nghị quyết của tỉnh thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng.
Kết luận Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Bí thư Tỉnh ủy vừa là những chỉ đạo, định hướng quan trọng của Tỉnh ủy, vừa là tâm tư của người đứng đầu địa phương. Và đó cũng là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tỉnh nhà.
Đồng Tháp không thiếu tiềm năng, lợi thế, vận hội, lớn nhất là truyền thống, phẩm chất, cốt cách của con người nơi đây. Đồng thời những nghị quyết, chủ trương đã có, phù hợp, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, được Trung ương ủng hộ. Vấn đề còn lại là mọi thành viên trong hệ thống chính trị tỉnh nhà vào cuộc thế nào để khơi gợi, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vận hội đó, để nghị quyết thành hiện thực.
Đảng bộ và nhân dân đã đồng thuận, nhưng còn nhiều việc phải làm, như mạnh dạn bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, biến tự ti, mặc cảm thành tự ái cách mạng; từng cấp, từng ngành, mỗi cá nhân phát hiện, tháo gỡ, khắc phục những điểm nghẽn thuộc lĩnh vực, chức trách của mình; có những hành động cụ thể, thiết thực khi thực hiện phương châm “Gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; để thật sự “Dân sống trong lòng Đảng, Đảng sống trong lòng dân” như thông điệp Bí thư Tỉnh ủy đã gửi gắm đến cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.
Hữu Ý