Chủ trương của Đảng, Xứ ủy Nam bộ và Tỉnh ủy Long Châu Sa

Cập nhật ngày: 17/10/2014 07:18:44

Do có vị trí chiến lược quan trọng, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa được Đảng ta chọn làm một trong những điểm tập kết chuyển quân của khu vực Mỹ Tho, Long Châu Sa, Gia Định Ninh, Phân Liên khu miền Đông, Tình nguyện quân Miên, cán bộ Nam bộ (cán bộ văn nghệ, cán bộ triển lãm...) và anh em công nhân cao su. Cao Lãnh năm 1954 là một huyện có diện tích, dân số và tiềm lực kinh tế lớn nhất của tỉnh Long Châu Sa. Những thế mạnh đó cộng với vị trí địa lý quan trọng đã làm cho Cao Lãnh trở thành một địa điểm chiến lược của Nam bộ. Từ Long Châu Sa có thể đi đến các tỉnh và từ các tỉnh đến một cách dễ dàng, thuận tiện bằng đường bộ (trục đường quốc lộ 30 chạy dọc) và đường thủy với hệ thống kênh rạch chằng chịt như kênh Hồng Kỳ, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp A, Nguyễn Văn Tiếp B, Bằng Lăng... Cao Lãnh lại tương đối gần Campuchia. Bên cạnh đó, Cao Lãnh có truyền thống yêu nước, chống xâm lược, chống áp bức, đoàn kết và nhiệt tình cách mạng. Truyền thống ấy được minh chứng qua các di tích lịch sử: Miếu thờ Thống Linh, Đền thờ Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Dương, Đỗ Công Tường... Vì vậy, nửa đầu thế kỷ XX, Cao Lãnh là một trong những trung tâm chính trị và điểm nóng của cách mạng với các phong trào tiêu biểu: tổ chức lễ tang cụ Phan Châu Trinh, phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Cao Lãnh có vinh dự lớn là được đón tiếp các văn nhân, sĩ phu yêu nước từ miền Bắc, miền Trung và các vùng khác về “hội tụ” như: cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Võ Hoành, Phủ Bùi... Những Chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại đây. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào nông dân, công nhân, trí thức, học sinh phát triển mạnh mẽ.

Như vậy, với những thế mạnh về diện tích, dân số, tiềm lực kinh tế, vị trí địa lý và cơ sở Đảng sâu rộng, lớn mạnh cùng những phong trào nông dân, công nhân, trí thức, học sinh sôi nổi, Cao Lãnh những năm 50 của thế kỷ XX trở thành trung tâm cách mạng của Phân liên khu miền Tây nói riêng, Nam bộ nói chung.

Hưởng ứng chủ trương đấu tranh hòa bình của Trung ương Đảng, Đảng bộ các cấp ở Nam bộ đã lãnh đạo lực lượng vũ trang ba thứ quân chấp hành nghiêm lệnh ngừng bắn và tập hợp đúng thời gian tại các khu tập kết để lần lượt chuyển quân ra miền Bắc vĩ tuyến 17 nước Việt Nam. Cùng với công tác tập kết chuyển quân, việc sắp xếp bố trí lực lượng tại Nam bộ được tiến hành khẩn trương.

Công tác chỉ đạo tập kết chuyển quân ở miền Nam do đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ phụ trách; trong đó, khu tập kết Đồng Tháp Mười do đồng chí Phạm Hùng, Trưởng phái đoàn liên lạc hiệp thương Nam bộ có trách nhiệm lãnh đạo chung. Trước tình hình lúc bấy giờ, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo các địa phương Nam bộ phải tích cực đối phó với tình huống xấu nhất “Địch có thể xé bỏ Hiệp định Genève, thẳng tay đàn áp cách mạng miền Nam”. Từ nhận định trên của đồng chí Lê Duẩn cũng là tư tưởng chỉ đạo cho việc bố trí sắp xếp lực lượng để đối phó với kẻ thù mới, Đảng chủ trương thành lập Xứ ủy Nam bộ bí mật, Liên khu ủy miền Đông, miền Trung và miền Tây. Các Tỉnh ủy bí mật cũng được Xứ ủy chỉ định. Các cấp ủy Đảng từ cấp huyện đến cơ sở được kiện toàn, tinh giảm về số lượng, tăng cường về chất lượng, đảm bảo lãnh đạo chống chọi với kẻ thù.

Theo đó, thành phần đi tập kết chủ yếu là cán bộ, bộ đội, học sinh và con em cách mạng ra miền Bắc để đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, xây dựng miền Bắc vững mạnh làm hậu phương, đòn bẩy cho cách mạng miền Nam. Đồng thời, bố trí một số cán bộ, bộ đội và lực lượng cách mạng chủ chốt ở lại rút vào hoạt động bí mật, làm nòng cốt cho việc duy trì, xây dựng, phát triển lực lượng và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi đối phương thi hành hiệp định đã ký kết. Đây là một chủ trương đúng, là sáng kiến quan trọng của Đảng. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Long Châu Sa chủ trương chọn số vũ khí, súng đạn tốt giao cho cơ sở tin cậy chôn giấu kỹ lưỡng, đề phòng bất trắc nếu đối phương trở mặt phản bội những điều khoản trong hiệp định đình chiến.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn