Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Tháp

Chuẩn bị tốt nội dung tham gia Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cập nhật ngày: 20/10/2024 05:17:07

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241020051842dt2-5.mp3

 

ĐTO - Hướng tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Sáu - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về công tác chuẩn bị kỳ họp này.


Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp thông tin về các vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị (Ảnh: T.T)

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV?

Ông Trần Văn Sáu: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024 và bế mạc vào sáng ngày 30/11/2024. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024. Đợt 2: từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024.

Theo dự kiến nội dung, chương trình, kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án Luật. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và thông qua một số dự án Luật có phạm vi ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tập trung công tác góp ý xây dựng pháp luật. Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng có liên quan trực tiếp của luật với nhiều hình thức phù hợp như: đăng công khai các văn bản, dự thảo luật trên Trang thông tin điện tử; lấy ý kiến trực tiếp thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề; lấy ý kiến góp ý bằng văn bản. Song song đó, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức các hội nghị lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan đối với các dự án Luật gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Quy hoạch đô thị và nông thôn...

Điểm nhấn đáng chú ý trong hoạt động của Đoàn ĐBQH là hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, linh hoạt, hiệu quả và chuyên sâu hơn về hình thức và nội dung, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai. Trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tăng cường tiếp xúc cử tri trên địa bàn dân cư nơi ứng cử để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi tới Quốc hội. Đoàn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 16 cuộc tiếp xúc cử tri với trên 1.360 cử tri tham dự; ghi nhận 124 lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị Đoàn đã tổng hợp gửi đến các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền.

Ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ đều rất tâm huyết. Đơn cử, cử tri phản ánh tình hình sản xuất và điều kiện sinh sống của các hộ dân nằm trong phạm vi lõi 4 nút giao (Quốc lộ 80, Quốc lộ 54 và ĐT.849 thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh và địa phận huyện Lấp Vò) gặp nhiều khó khăn, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng nhưng không được phép sửa chữa, xây mới; đất không sản xuất được do không có đường nước, không có lối đi, ô nhiễm môi trường... Từ những khó khăn trên, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương thu hồi toàn bộ 31,9ha đất thuộc phạm vi lõi 4 nút giao, sớm giải quyết dứt điểm nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đồng thời để người dân ổn định cuộc sống.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trao bảng tượng trưng tặng Nhà Đại đoàn kết cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Sa Đéc và 3 huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành (Ảnh: T.M)

Cử tri cũng phản ánh tuyến Quốc lộ 80 đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, một số đoạn đường và cầu hẹp, lượng xe lưu thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét duy tu, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng một số đoạn đường và cầu trên tuyến Quốc lộ 80. Cử tri kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Chính phủ sớm phê duyệt dự án “Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp” và tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang thuộc dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, vay vốn ADB và “Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (MERIT-WB11) tỉnh Đồng Tháp”.

Bên cạnh tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tổ chức 3 hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, kết hợp lấy ý kiến chuyên sâu đối với 3 dự thảo Luật (Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi)) và tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ngành tỉnh về nội dung, chương trình kỳ họp. Tại hội nghị, cử tri thể hiện quyền làm chủ, tích cực đóng góp xây dựng để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bằng việc chủ động nghiên cứu kỹ các dự án Luật và có ý kiến đóng góp xác đáng.

Ngoài ra, hoạt động giám sát được Đoàn ĐBQH đặc biệt quan tâm, bên cạnh giám sát các chuyên đề theo chương trình giám sát, Đoàn ĐBQH tăng cường giám sát kết quả thực hiện kiến nghị của cử tri; thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các vụ việc.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức lấy ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

PV: Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các ý kiến kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những hoạt động tái giám sát cơ quan chức năng trong thực hiện kiến nghị của cử tri. Xin ông cho biết kết quả của hoạt động này?

Ông Trần Văn Sáu: Sau hoạt động khảo sát, Đoàn ĐBQH tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị của cử tri, cần thiết sẽ tổ chức tái giám sát kết quả thực hiện. Qua theo dõi tiến độ, kết quả khắc phục các thiệt hại do thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Đoàn ĐBQH đã tái giám sát tình hình khắc phục, sửa chữa các tuyến đường giao thông và việc bồi thường cho các hộ dân.

Kết quả, đến nay, chủ đầu tư, nhà thầu đã khắc phục, sửa chữa 3 tuyến đường giao thông bị hư hỏng do vận chuyển vật tư thi công đường cao tốc về cơ bản đã hoàn thành. Còn một số vị trí chưa đạt yêu cầu, Đoàn ĐBQH đã đề nghị các đơn vị có liên quan sớm hoàn thiện bàn giao cho địa phương quản lý. Đối với 25 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường thiệt hại do quá trình thi công đường cao tốc, Đoàn ĐBQH đã đề nghị UBND huyện Châu Thành và các xã có liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu, đơn vị bảo hiểm tổ chức mời các hộ dân để đối thoại, vận động các hộ đồng thuận, sớm chi trả dứt điểm.

PV: Để hỗ trợ cho người dân các địa phương trong tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động thực hiện công tác an sinh xã hội. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của hoạt động này?

Ông Trần Văn Sáu: Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái”, những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân giao phó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp luôn làm tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo những gia đình người có công, người lao động, công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật trong hoạt động xã hội, từ thiện, đại biểu trong Đoàn đã vận động, đóng góp xây dựng 45 căn nhà, với số tiền 2,250 tỷ đồng; xe cứu thương trị giá 1,335 tỷ; các phần quà tổng giá trị 50 triệu đồng; hỗ trợ tiền mặt 390 triệu đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Trúc (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn