Hướng về Họp mặt cán bộ Binh vận tỉnh Đồng Tháp qua các thời kỳ:

Công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Cập nhật ngày: 29/08/2016 10:34:22

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác binh vận được xác định là một nhiệm vụ chiến lược. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, công tác binh vận đã kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Trưởng Ban Binh vận tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) qua các thời kỳ

Kế thừa kinh nghiệm công tác binh địch vận, trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Đồng Tháp, thực tiễn công tác binh vận có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, cùng với chính trị và quân sự, binh vận là 1 trong 3 mũi giáp công chiến lược xuất sắc của Đảng. Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (năm 1954), Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo giáo dục trong Đảng bộ và cơ sở quần chúng, xây dựng tổ chức bộ máy thông qua thân nhân gia đình binh lính, sĩ quan ngụy để xây dựng phát triển cơ sở trong lòng địch.

Đến năm 1956, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng rộng mạnh, công tác binh vận đòi hỏi phải có cán bộ để tuyên truyền vận động quần chúng, vận động gia đình binh sĩ, sĩ quan và tổ chức cơ sở cách mạng trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền. Tháng 3/1956, Tỉnh ủy thành lập Ban Binh vận tỉnh và các huyện. Đồng chí Trần Anh Điền (Tám Bé) Tỉnh ủy viên làm trưởng Ban Binh vận Tỉnh, đồng chí Bảy Lãm phó ban, ủy viên thơ ký đồng chí Phùng, cán bộ có đồng chí Nguyễn Văn Bảy (Sáu Chời), Đinh Trung Võng (Mười Đờn). Ban Binh vận huyện do một đồng chí Huyện ủy viên làm trưởng ban cùng vài cán bộ.

Sự kiện Ban Binh vận tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) được thành lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được xem là bước ngoặt trong quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, vì từ đây Kiến Phong (Đồng Tháp) đã có đội ngũ cán bộ binh vận mưu trí, dũng cảm từ tỉnh đến huyện và cơ sở để xây dựng lực lượng, phát triển tổ chức, thực hiện mọi nhiệm vụ khó khăn, gian khổ mà Đảng đã tin tưởng giao cho.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ, cứu nước, Ban Binh vận tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) đã có những đóng góp rất quan trọng, các cơ quan, cán bộ binh vận, kể cả cơ sở binh vận trong lòng địch và quần chúng làm binh vận đã sáng tạo nhiều nội dung, phương thức hoạt động, làm cho công tác binh vận trở thành 1 trong 3 mũi giáp công lợi hại đánh vào lòng địch, đạt hiệu quả cao. Nhiều cơ sở, cán bộ, quần chúng làm binh vận đã dũng cảm vượt quan gian khổ, ác liệt, tích cực hoạt động và hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp cách mạng. Để phần nào nói lên những đóng góp to lớn ấy, có thể đưa ra một vài số liệu công tác binh vận được tổng kết qua 21 năm chống Mỹ, cứu nước để minh chứng:


Binh lính ở Kiến Văn khởi nghĩa về với cách mạng

1- Phát động học tập nội dung công tác binh vận và các chánh sách kể cả Chánh sách 12 điểm, 10 điểm, 7 điểm cho 3.480.000 lượt quần chúng. Trong số có 820.000 gia đình binh sĩ (binh lính, sĩ quan). Mở 130 cuộc hội nghị gia đình binh sĩ. Bàn bạc, vạch trần âm mưu thâm độc của Mỹ ép buộc thanh niên Việt Nam cầm súng Mỹ chống lại nhân dân, phản bội Tổ quốc và bàn cách lôi kéo số thanh niên này trở về gia đình, có 21.000 gia đình binh sĩ dự.

2- Tổ chức lực lượng đấu tranh chống địch, tuyên truyền, giáo dục vận động binh sĩ 2.162 cuộc tập thể và lẻ tẻ gồm 4.010.000 lượt người. Trong số đó có 820 lượt gia đình binh sĩ.

3- Tán phát truyền đơn, khẩu hiệu binh vận: 3 triệu tờ, gởi 23.600 thơ tay cho binh sĩ và đồn bót, đơn vị địch, gọi loa vào đồn bót 3.900 lần, 55.000 truyền đơn kêu gọi lính Mỹ, gởi 25.000 quyển Chánh sách 12 điểm, 10 điểm, 7 điểm.

4- Tổ chức 3 mũi chánh trị, binh vận, võ trang: tấn công vây ép đồn bót địch theo đợt và đột xuất 1.330 lượt; khống chế nhiều mức độ 506 lượt đồn, vận động binh sĩ phản chiến chống lệnh chỉ huy 305 cuộc, có 65.000 lượt binh sĩ tham gia. Binh sĩ binh biến 20 vụ diệt hơn 100 ác ôn, bức rút 402 đồn (có một số đồn 5 – 7 lần), bức hàng 43 đồn, thu 690 súng. Giải tán 168 toán phòng vệ dân sự, thu 232 súng.

5- Tổ chức nội tuyến đánh địch: “ném đá dấu tay” diệt 50 ác ôn, nhiều trường hợp ngăn chặn chúng gây thiệt hại cho cách mạng. Kết hợp võ trang và nổi dậy quần chúng đánh 280 trận, dứt điểm 132 đồn, 3 căn cứ quân sự, 6 nông trại, 15 khu trù mật, dinh điền, 100 ấp chiến lược, 54 trụ sở tề xã; khởi nghĩa tước võ khí, phá rã 152 toán phòng vệ dân sự xung kích. Diệt và làm bị thương, bắt sống 3.040 tên có 8 Mỹ, 14 Đại Hàn (Nam Triều Tiên), thu 6.870 súng, giải phóng 29 xã, 153 ấp, 215.000 dân.

6- Tổ chức đấu tranh chống địch bắt lính 355 cuộc với khoảng 48.000 quần chúng tham gia. Từ 5-10 người tranh thủ thuyết phục đến níu kéo giành giựt, cao hơn là bạo động biểu tình cả ngàn người tham dự. Giành lại được 16.300 thanh niên khỏi đi lính. Trong số này có 3.100 tham gia Cách mạng.


Cán bộ cách mạng giảng dạy chính sách khoan hồng cho tù binh

7- Vận động làm tan rã địch: có 55.630 lượt binh sĩ rời bỏ hàng ngũ địch, đa số do cầu an sợ chết, cũng có một số thức tỉnh, thấy cầm súng Mỹ chống cách mạng là phản dân, hại nước thuộc các sắc lính chủ lực, bảo an, dân vệ, cảnh sát và 30.000 lực lượng phòng vệ dân sự xung kích (bị úp bộ). Mang về cho cách mạng 1.785 súng. Không kể số liệu từ chiến dịch Hồ Chí Minh đến tiếp quản.

8- Xây dựng phát triển lực lượng: 2.420 nội tuyến gồm đảng viên, đoàn viên, nòng cốt Đảng; 2.855 cảm tình cách mạng (những người giác ngộ tin tưởng cách mạng đã nhận nhiệm vụ và hoạt động cách mạng, còn trong thời gian thử thách); 676 mật giao, trong số này có 1/3 là gia đình binh sĩ, có 400 cán sự vị trí lãnh đạo, 1.145 binh vận ở các vị trí; bố trí tấn công vào 400 lượt đồn bót, đơn vị địch; 5.490 lực lượng binh vận nòng cốt xóm, ấp.  


Các tù binh học tập chính sách cách mạng

Được sinh ra trong cuộc kháng chiến trường kỳ, là tất yếu của thực tiễn cách mạng, Ban Binh vận tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) đã không ngừng lớn mạnh, các thế hệ cán bộ của Ban luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đã mưu trí, dũng cảm đánh địch từ bên trong, kết hợp các lực lượng bức rút nhiều đồn địch, làm tan rã ngụy quân - ngụy quyền, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, Ban Binh vận tỉnh Kiến Phong được giải thể nhưng hầu hết cán bộ, chiến sĩ binh vận đều nhận nhiệm vụ mới và tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho tỉnh nhà.

Để ghi nhận và tôn vinh những công lao, đóng góp của tập thể cán bộ Ban Binh vận tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 30/8/2016, tại Khu di tích Xẻo Quít, Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Họp mặt và trao Kỷ niệm chương cho cán bộ làm công tác binh vận tỉnh Đồng Tháp qua các thời kỳ, đáp ứng nguyện vọng của các thế hệ cán bộ Binh vận sau 41 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng đã giao cho.

QUANG TRUNG

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn