Công tác phòng, chống tham nhũng
Cần chú trọng vào các ngành, lĩnh vực nhạy cảm
Cập nhật ngày: 10/04/2013 05:08:34
Qua kết quả khảo sát được tiến hành ở 10 tỉnh thành, những nơi có khả năng dễ nảy sinh các hiện tượng tham nhũng gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Cần Thơ đại diện cho 30% dân số cả nước cho thấy, hiện tượng tham nhũng không chỉ dừng lại ở những cơ quan có quyền hạn lớn, những người có địa vị, quyền cao chức trọng mà ngay cả những cơ quan công quyền bên dưới, những cán bộ công chức có chức, quyền, hoặc ở một vị trí nhất định nào đó có thể gây khó khăn cho dân đều có thể tận dụng cơ hội để đòi hỏi, yêu cầu phục vụ cho lợi ích của cá nhân. Vì vậy, tham nhũng không còn là hiện tượng bộc phát, riêng lẻ mà đã trở thành phổ biến ở nước ta trong những năm qua.
Ở Đồng Tháp, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) tỉnh, năm 2012, có những chuyển biến tích cực trong thực hiện công tác PCTN. Lãnh đạo các ngành, các cấp có quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện kế hoạch công tác PCTN tại đơn vị. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên các vụ án liên quan đến hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh giảm về số vụ và mức độ thiệt hại. Ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành ngày càng nâng cao, có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra về tham nhũng được thực hiện thường xuyên hơn góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện và xử lý một số trường hợp vi phạm. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức PCTN trong cán bộ, công chức và việc chấp hành pháp luật về PCTN trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ đạo PCTN tỉnh, thực trạng tham nhũng còn đáng báo động; còn nhiều hạn chế cần phải sớm được khắc phục. Hiện nay, việc giải quyết các vụ án tham nhũng mới chỉ dừng lại ở việc khắc phục vụ việc xảy ra là chủ yếu. Công tác PCTN chưa đi vào chiều sâu nên chưa tạo được hiệu ứng cao. Công tác phát hiện chưa tương xứng với thực tế dư luận phản ánh; sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ; chưa phát huy được quyền giám sát của người dân.
Vai trò trách nhiệm vủa người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao, thể hiện qua kế hoạch công tác PCTN của nhiều đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào những nội dung trọng tâm cần thực hiện. Bên cạnh đó, một số quy trình cần công khai, minh bạch nhưng chậm được thực hiện, chưa kịp thời giải tỏa thắc mắc cho người dân...
Năm 2013, trong chương trình, kế hoạch công tác PCTN cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành thường xuyên kiểm tra thực hiện. Theo đó, các đơn vị liên quan cần lựa chọn một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm trong phạm vi mình quản lý để thực hiện công khai, minh bạch các quy định, trình tự, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến lĩnh vực đó đến đúng đối tượng được công khai; chú trọng vào một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, quản lý đất đai, giao thông, đấu thầu, giải ngân các công trình xây dựng cơ bản... Từng thành viên trong Ban chỉ đạo PCTN theo dõi địa bàn, lĩnh vực được phân công, tiến hành kiểm tra việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của địa phương, đơn vị, chú ý một số điểm trọng tâm, nhạy cảm. Qua đó, giúp các tổ chức và công dân dễ nhận biết và thực hiện, đồng thời phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của công dân trong tổ chức thực hiện PCTN.
Đồng Dao