Công tác tổ chức tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 20/10/2014 08:14:30

Thực thi hiệp định đình chiến, Ủy ban hỗn hợp Liên hiệp Pháp và quân đội nhân dân Việt Nam khu Đồng Tháp Mười bàn định việc rút quân đội Liên hiệp Pháp ra khỏi khu tập kết Đồng Tháp Mười và Cao Lãnh để quân đội nhân dân Việt Nam vào tiếp quản. Ngày 12 và 13/8/1954, quân đội Liên hiệp Pháp, kể cả quân đội giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo rút khỏi Đồng Tháp Mười và Cao Lãnh bằng tàu hải quân của Pháp.

Lần lượt các đơn vị tập trung về Cao Lãnh, được bố trí ở trong nhà dân thuộc các xã Hòa An, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Phong Mỹ, Tịnh Thới, Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, An Bình, Ba Sao, Mỹ Thọ, Nhị Mỹ... Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Long Châu Sa tổ chức quản lý việc tiếp đón chu đáo, hợp lý, đảm bảo nơi ăn, ở cho thân nhân cán bộ, bộ đội. Ước tính có khoảng trên hai vạn thân nhân cán bộ, bộ đội đến Cao Lãnh thăm hỏi và đưa tiễn người thân.

Tại các địa điểm tập kết, việc mở các lớp “chuyển hướng” nhằm triển khai học tập về Hiệp định Genève cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được chú trọng. Công tác bố trí và bảo vệ địa điểm họp của các phái đoàn Liên hiệp đình chiến tại Cao Lãnh được thực hiện nghiêm túc, an toàn.

Tranh thủ điều kiện hòa bình, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Long Châu Sa ra sức hoàn thiện, bổ khuyết việc thực hiện các chính sách của Đảng trong vùng giải phóng cũ và đem thực hiện tại các vùng tạm bị chiếm vừa được giải tỏa. Chính quyền cách mạng cấp hàng chục vạn hecta ruộng đất cho nông dân nghèo ở các vùng tạm bị chiếm trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Ruộng đất được cấp tới sát mép lưới thép gai các đồn bót địch. Cơ quan địa phương trao tặng các Bằng khen, Giấy tuyên dương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho các gia đình có công với nước, các nhân sĩ trong tôn giáo, đảng phái đã đóng góp cho kháng chiến.

Tại các khu vực tiếp quản, chính quyền cách mạng đã tổ chức cứu hộ hàng chục tấn gạo, hàng trăm, hàng ngàn tiền Đông Dương cho các gia đình nghèo, thiếu thốn. Tổ chức bến thuyền, giao thông trật tự không gây nguy hiểm cho nhân dân. Đồng thời, chủ trương không đánh thuế chợ nên các tiểu thương vui mừng, phấn khởi, tự nguyện quyên góp nguyên vật liệu cho bộ đội xây dựng các công trình. Bên cạnh đó, việc đổi tiền cho nhân dân được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện khẩn trương, chu đáo, không để thiệt hại cho người dân ở vùng kháng chiến.

Xác định thời gian 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh là điều kiện thuận lợi để Đảng ta tiến hành công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cách mạng. Trong những ngày tập kết, cán bộ, bộ đội đã thực hiện xây dựng một nền trật tự cách mạng, góp phần nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Khi các đơn vị tập kết đến, các cấp lãnh đạo địa phương đã sắp xếp chỗ ở cho bộ đội đều tại các xã, các gia đình, không kể giàu nghèo, để bà con không so bì và bộ đội mở rộng phạm vi tuyên truyền, giáo dục.

Trong thời gian tập kết, bộ đội đã đem hết những hiểu biết của mình về chính trị, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao... truyền đạt cho đồng bào. Tổ chức những buổi nói chuyện về lịch sử, về Đảng, Bác Hồ, về mục đích, chủ trương, chính nghĩa của cách mạng. Các lớp học xóa mù chữ được mở ra cấp tốc, bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, xây dựng nhà y tế, trạm hộ sinh, các đoàn y tế khám chữa bệnh được thực hiện ở nhiều nơi.

Để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và cũng là công trình, việc làm mang ý nghĩa lưu niệm cho đồng bào, tỉnh tổ chức xây dựng “Đài chiến sĩ trận vong” và tu bổ mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với thân sinh Hồ Chủ tịch. Công trình do Tiểu đoàn 311 thực hiện.

Cao Lãnh lúc này không lúc nào ngớt 2.000 quân. Khi các đơn vị đến đây được phiên chế thành ba cánh: Công nhân xưởng - đi trước cùng với máy móc, cán bộ dân chính đảng đi sau, cuối cùng là bộ đội. Các đơn vị tập kết được phiên chế thành từng tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn có đại đội, trung đội, tiểu đội. Phụ trách tiểu đoàn có ban chỉ huy và một phiên dịch.

Việc chuyển quân tập kết ra Bắc bắt đầu từ ngày 6/10/1954 và kết thúc ngày 29/10/1954. Theo hiệp định Genève, chỉ tập kết lực lượng quân sự. Trong ba đợt chuyển quân tại Bắc Cao Lãnh đã có 13.508 cán bộ, chiến sĩ xuống tàu ra Bắc, trong đó tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Sau 100 ngày theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định. Tất cả chiến sĩ đều xác định đi hay ở đều “vinh quang, anh dũng”.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn