Đạo đức công vụ
Cập nhật ngày: 09/07/2016 07:05:50
ĐTO - Mấy ngày nay, dư luận dậy sóng việc bảo vệ Bệnh viện nhi Trung ương chặn không cho xe cứu thương chở bé 9 tháng tuổi đang hấp hối về nhà. Bé chết trên xe, không được từ biệt thế giới tại nơi chôn nhau cắt rốn như nguyện vọng của người thân.
Giám đốc Bệnh viện đã xin lỗi. Bộ Y tế đã vào cuộc.
Dù đúng sai thế nào, qua vụ việc được thể hiện trên vi-đê-ô-cờ-líp và báo chí một lần nữa cho thấy đạo đức ứng xử của một bộ phận người thực thi công vụ có vấn đề chưa ổn.
Sống và làm việc theo pháp luật không chỉ là khẩu hiệu mà còn là quy định bắt buộc đối với mọi công dân. Tuy nhiên, pháp luật không thể và không theo kịp mọi việc trong đời sống xã hội. Nhưng vẫn còn một tác động có sức mạnh còn hơn pháp luật, là đạo đức.
Những người thực thi công vụ, từ bảo vệ cơ quan trở đi, ngoài việc chấp hành pháp luật, còn phải có đạo đức ứng xử, như có sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn, bức xúc của người dân.
Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hãy từ những việc nhỏ, như biết xin lỗi khi bản thân hoặc cấp dưới có lời nói, việc làm chưa hài lòng người dân, lớn hơn là đừng vì lợi ích cá nhân (chức vụ, tiền bạc) làm khó dễ khi người dân đến cơ quan công quyền.
Như Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhắn nhủ những công bộc của Đồng Tháp “hãy nhấc mông lên” để gần dân, sát dân, nghe dân nói, làm dân theo hơn nữa.
Để không còn xảy ra việc như Bệnh viện Nhi Trung ương, khi dư luận cho rằng đó là sự vô cảm hoặc vì lợi ích cá nhân của người thực thi công vụ.
HỮU Ý