Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới
Cập nhật ngày: 19/10/2012 09:37:22
Qua gần một năm triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đồng Tháp xung quanh vấn đề trên.
P.V: Xin bà cho biết việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có ý nghĩa như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (N.T.T.T): Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, bất bình đẳng giới chủ yếu nghiêng về phía phụ nữ. Do đó, Chiến lược sẽ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của phụ nữ, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
P.V: Với ý nghĩa đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược đến năm 2015 là như thế nào?
Bà N.T.T.T: Nhằm tạo bước chuyển biến về nhận thức để thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, Chiến lược đã đề ra 7 mục tiêu và 24 chỉ tiêu cụ thể để đạt bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Cụ thể: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.
P.V: Để đưa Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới vào cuộc sống, xin bà cho biết những giải pháp được tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm đạt mục tiêu đề ra?
Bà N.T.T.T: Năm 2012, kinh phí được Trung ương hỗ trợ 490 triệu đồng từ Chương trình quốc gia bình đẳng giới để phục vụ cho các hoạt động. Các cấp, ngành đã tích cực tuyên truyền và nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Qua đó, đã in ấn gần hàng ngàn cuốn tài liệu tuyên truyền về giới, các quy định xử phạt vi phạm bình đẳng giới, tổ chức các cuộc hội thảo và 2 lớp tập huấn nhận thức về giới, lồng ghép giới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác bình đẳng giới cho cán bộ các huyện, thị, thành phố và lãnh đạo, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh với hàng trăm lượt người tham dự. Đặc biệt, ngành chức năng đã triển khai dự án giảm thiểu bạo lực gia đình trên cơ sở giới cho 5 xã điểm, đồng thời lựa chọn 1 xã để triển khai dự án hỗ trợ bình đẳng giới ở địa phương có nguy cơ bất bình đẳng giới cao vào đầu năm 2013. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho 240 cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện và xã. Thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực so với thời gian trước đây. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đẩy mạnh việc lồng ghép về giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới; thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động cũng như kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.
P.V: Xin cảm ơn bà!
Kim Ngân (Thực hiện)