Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo “cập nhật thông tin” trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính
Cập nhật ngày: 14/07/2025 05:36:06

ĐTO - Sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là một sự kiện mang lại nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, thời điểm này, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự lo lắng, chưa tìm hiểu, nắm chắc các quy định của pháp luật và một số thủ tục hành chính của một bộ phận Nhân dân để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo cập nhật thông tin
Lợi dụng tâm lý lo lắng, muốn cập nhật thông tin nhanh chóng để đảm bảo quyền lợi về tài sản của chủ sở hữu, kẻ gian đã mạo danh các cơ quan Nhà nước, cán bộ Công an, cán bộ thuế, điện lực, bảo hiểm xã hội... thông báo về việc cần “cập nhật” thông tin cá nhân, thông tin cư trú trên các nền tảng VNeID hoặc các hệ thống quản lý dân cư mới do sáp nhập. Ông Lê Phước Răng ngụ xã Ba Sao (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Điện thoại của tôi thường xuyên nhận các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhưng các con tôi có dặn là không nên nghe máy vì đó là cuộc gọi lừa đảo”.
Thực trạng này xảy ra ở nhiều nơi, nhưng phổ biến hơn là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, song song với việc khẩn trương thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, Công an các xã, phường trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân việc cập nhật thông tin dân cư trên ứng dụng VNeID... Thiếu tá Đinh Trường Giang - Phó Trưởng Công an xã Ba Sao cho biết: “Thông tin về nơi đăng ký khai sinh, quê quán của công dân trong ứng dụng VneID do Bộ Công an tự động cập nhật cho công dân. Tất cả số điện thoại lạ yêu cầu công dân cập nhật thông tin hoặc gửi đường link lạ thì đó là các đối tượng lừa đảo”.
Hiện nay, tại Công an các phường, xã, người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính khá đông. Trong đó, không ít người cũng nhận được các cuộc gọi yêu cầu có nghi vấn lừa đảo. Hầu hết người dân đều nhận thức được các dấu hiệu lừa đảo nên không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng. Ông Trần Văn Tôi ngụ Phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ: “Mấy ngày qua, tôi có nhận cuộc gọi yêu cầu nộp 300.000 đồng để làm thủ tục, nhưng tôi không đồng ý vì biết đó là lừa đảo. Cần thủ tục thì tôi sẽ đến ngay Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã để được hỗ trợ hướng dẫn”.
Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt trong giai đoạn đầu mới sáp nhập đơn vị hành chính, lực lượng Công an các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo và triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Thượng tá Nguyễn Văn Tám - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo: “Người dân cần thực hiện phương châm: “3 không, 3 nhớ, 3 kiểm tra”. Cụ thể là: Không cung cấp thông tin cho người lạ - Không chuyển tiền cho người lạ - Không vào các đường link lạ, website lạ; Nhớ xác minh kỹ trước khi chuyển tiền - Nhớ cảnh báo người thân - Nhớ báo ngay cho Công an khi có nghi ngờ; Kiểm tra tài khoản mạng xã hội - Kiểm tra nội dung giao dịch với người nhận tiền - Kiểm tra dấu hiệu bất thường như: chuyển tiền gấp, bí mật, các hình ảnh giả mạo”.
Khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, người dân hãy nhanh chóng thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, điều tra, xử lý tội phạm. Đồng thời chia sẻ thông tin cảnh báo này đến người thân, bạn bè để cùng nhau nâng cao cảnh giác, tạo thành “lá chắn” vững chắc bảo vệ cộng đồng khỏi những chiêu trò của tội phạm.
Thanh Mỹ - Minh Trường